Lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra thứ tự gà gáy vào mỗi buổi sáng có liên quan mật thiết đến cấp bậc xã hội của loài này.
Có một quy luật chi phối trình tự tiếng gà gáy vào mỗi sáng
Theo đó, nhóm nghiên cứu đến từ Viện chuyển hoá sinh học phân tử (ITbM) tại Đại học Nagoya (Nhật Bản) nhận thấy có một quy luật trong trình tự những tiếng gáy của đàn gà. Mặc dù những con gà trống ở cấp thấp hơn cũng có khả năng gáy, chúng vẫn phải chấp nhận chờ đợi vào mỗi buổi sáng, nhường cho chú gà trống nổi trội nhất gáy trước mình.
Năm 2013, Tsuyoshi Shimmura và Takashi Yoshimura thuộc Đại học Nagoya đã có một bài báo cáo trên tờ Current Biology, cho biết tiếng gáy của gà trống bị chi phối bởi đồng hồ sinh học nội bộ của chúng. Bắt đầu bởi tiếng gáy từ một con gà trống đặc biệt, những con khác trong phạm vi gần đó cũng bắt đầu gáy, như một phản ứng dây chuyền. Tiếng gáy được coi là hành động của gà trống nhằm cảnh báo những kẻ khác về lãnh thổ.
Ngoài ra, gà được biết đến là động vật có tính xã hội cao và phát triển một hệ thống phân cấp thống trị, còn gọi là trật tự xã hội khi nó sống thành từng nhóm. Trật tự này bắt đầu bằng hành động mổ tất cả những con gà trong đàn của một con chiếm ưu thế, con gà trội thứ hai mổ tất cả những con gà còn lại và quá trình cứ thế tiếp tục. Việc phân cấp xã hội của gà trống được phản ánh mạnh mẽ trong quá trình sinh hoạt nhóm, khi gà trống xếp hạng cao nhất thường được ưu tiên trong việc ăn uống và giao phối.
Giáo sư Takashi Yoshimura - tác giả chính của nghiên cứu.
Đây là lần đầu tiên Shimmura và Yoshimura phát hiện thứ tự ưu tiên của hành động gáy ở gà cũng dựa trên xếp hạng xã hội này. Qua quan sát một nhóm 4 con gà trống, Shimmura - hiện đang là trợ lý giáo sư tại Viện Cơ sở Sinh học quốc gia tại Nhật Bản, gà trống có thứ hạng cao nhất trong đàn luôn là con gáy đầu tiên vào mỗi buổi sáng. Tiếng gáy sau đó được cất lên bởi các chú gà trống thứ hai, thứ ba và thứ tư trên bảng phân cấp xã hội.
Bên cạnh đó, thời gian bắt đầu gáy của gà trội nhất cũng có thể thay đổi từ ngày này sang ngày khác, tuy nhiên tiếng gáy của những chú gà khác luôn luôn bắt đầu ngay sau tiếng gáy của gà trống có thứ bậc cao nhất. Sau khi loại bỏ con gà trống với thứ hạng cao nhất trong nhóm, gà trống ở vị trí thứ hai trở thành con đầu tiên gáy. "Chúng tôi đã phát hiện gà trống sống trong một hệ thống phân cấp đúng tuyến, nơi thứ hạng xã hội phản ánh trình tự gáy lúc bình minh", Yoshimura - người đứng đầu công trình nghiên cứu và là nhà nghiên cứu chính tại ITbM nói.