Ra mắt Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa ra mắt Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (BTTNVN) và giới hiệu quy hoạch tổng thể Hệ thống BTTNVN đến năm 2020. Theo dự kiến, BTTNVN sẽ được xây dựng ở khu vực gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình - Hà Nội) với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng.

Sau đây là cuộc phỏng vấn Giám đốc BTTNVN - TS. Phạm Văn Lực nhằm tìm hiểu thêm về kế hoạch xây dựng bảo tàng.

+ Xin ông cho biết sự khác biệt của BTTNVN so với hệ thống bảo tàng khác trong nước hiện nay?

Kho mẫu vật của bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hiện đặt tại Viện KH-CN Việt Nam. (Ảnh: ND)

- Từ trước đến nay, ở Việt Nam chỉ mới có các bảo tàng thuộc loại hình bảo tàng xã hội học và một số cơ sở sưu tập mẫu vật về thiên nhiên nhỏ lẻ tại các viện nghiên cứu trường học, các bộ. Vì thế, đây là lần đầu tiên, Chính phủ quyết định xây dựng BTTNVN với những chức năng mới, khác với các bảo tàng truyền thống đã có như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Mỹ thuật Bảo tàng Phụ nữ...

Bảo tàng sẽ là nơi trưng bày và bảo quản các vật mẫu về thiên nhiên, phổ biến kiến thức giáo dục và quảng bá một cách toàn diện giá trị đa dạng của thiên nhiên Việt Nam. Là loại hình lịch sử tự nhiên, mở đầu cho hệ thống bảo tàng tự nhiên của Việt Nam nên BTTNVN hứa hẹn sẽ là địa chỉ tham quan rất sinh động, lý thú dành cho mọi đối tượng khách. BTTNVN sẽ dành khoảng 3 ha cho các gian trưng bày trong nhà, gồm năm khu: vũ trụ, trái đất và sự sống, thiên nhiên và con người Việt Nam; tài nguyên thiên nhiên Việt Nam; bảo vệ tài nguyên và thiên nhiên Việt Nam, lịch sử phát triển của khoa học kỹ thuật. Diện tích 7 ha còn lại dành cho phần trưng bày ngoài trời.

+ Hiện nay, khi bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường đang trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, thì sự ra đời của BTTNVN có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng sự ra đời của BTTNVN trong hoàn cảnh hiện nay là rất cần thiết đáp ứng kịp thời xu thế chung của toàn cầu, đó là nỗ lực tìm kiếm những giải pháp tích cực để bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá. BTTNVN sẽ phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, quảng bá và giáo dục công chúng về lòng yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường thông qua nhiều hình thức đa dạng, mới mẻ và thiết thực. Với không gian rộng lớn, thoáng đãng, sạch đẹp và hệ thống vật mẫu đa dạng, phong phú, BTTNVN sẽ là thế giới thu nhỏ của thiên nhiên Việt Nam, là môi trường lý tưởng để khách tham quan tìm hiểu nâng cao nhận thức, học tập và giải trí.

+ Ngoài việc trưng bày hiện vật, BTTNVN sẽ tổ chức những hoạt động hỗ trợ nào khác?

- Ngoài việc trưng bày các loài đặc hữu, sinh vật, khoáng sản và các điều kiện tự nhiên của Việt Nam, Bảo tàng sẽ thường xuyên tổ chức các triển lãm có tính chất chuyên đề để thu hút công chúng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tích cực mở rộng hợp tác quốc tế để trao đổi vật mẫu, tổ chức các triển lãm luân phiên với các bảo tàng quốc tế, không ngừng tìm kiếm mẫu vật nhằm tạo nên sự mới mẻ và vẻ đẹp đa dạng, phong phú cho Bảo tàng.

+ Kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để chuẩn bị cho hoạt động của Bảo tàng trong tương lai?

- Hiện nay, chúng tôi đang chờ quyết định cấp chỉ tiêu biên chế của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sau đó sẽ tiến hành tuyển chọn và cử cán bộ đi đào tạo ở các trường đại học, các bảo tàng, các viện nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài. Chúng tôi đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Hiện tại, ngoài 20 cán bộ của Bảo tàng, chúng tôi đã tập hợp được đội ngũ cộng tác viên gần 100 nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý giàu kinh nghiệm trong nước. Nguồn vật mẫu là linh hồn của bảo tàng vì thế chúng tôi đang chuẩn bị một đề án có tính chiến lược cho vấn đề này, nhằm xin phép Chính phủ cho khai thác những loài động vật, thực vật trong tự nhiên (tất nhiên là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành của Nhà nước và Công ước quốc tế mà chúng ta đã ký kết), tiếp nhận những mẫu vật do các cơ quan chức năng của Nhà nước thu giữ được của các phần tử săn bắn, buôn bán trái phép trên thị trường. Ngoài ra, bảo tàng cũng sẽ phải nhờ vào sự trợ giúp của các vườn thú, các cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã.

+ BTTNVN ra đời, có nghĩa là Hà Nội sẽ có thêm một địa chỉ lý thú dành cho khách du lịch? Bảo tàng sẽ làm gì để khai thác nguồn khách tiềm năng này?

- Ngay từ đầu, chúng tôi đã rất quan tâm đến đối tượng khách du lịch, vì giữa hai ngành Du lịch và Bảo tàng luôn có mối quan hệ hết sức mật thiết. Khi xây dựng quy hoạch, chúng tôi đã hình dung trước lượng khách du lịch sẽ đến tham quan cũng như những vấn đề liên quan đến việc đón khách du lịch. Hy vọng, BTTNVN sẽ sớm đi vào hoạt động, sớm hoàn thiện để cùng với hệ thống bảo tàng quốc gia góp phần phục vụ du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng.

+ Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của bảo tàng trong tương lai?

- Tôi tin rằng BTTNVN sẽ là một điểm nhấn độc đáo về cảnh quan và kiến trúc mỹ thuật của thủ đô Hà Nội. Đây sẽ lã công trình của Việt Nam giữ vai trò đầu mối, quan trọng trong công cuộc bảo tồn, quản lý những giá trị tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Chắc chắn công trình này sẽ trường tồn cùng với thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam chúng ta.

+ Xin cảm ơn ông
Theo Gia Đình Xã Hội, Nhân dân
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video