Rắn tự sát bằng nọc độc? Nghe có vẻ hơi ngược đời nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế.
Hầu như ai cũng biết nọc độc của rắn rất nguy hiểm và nếu tiêm vào bất cứ loài sinh vật nào, bao gồm cả con người, nó sẽ khiến đối tượng tử vong chỉ sau vài phút. Vậy đã bao giờ bạn tử hỏi liệu một con rắn khi tự cắn vào mình, nó có chết vì nọc độc không? Câu trả lời đằng sau thắc mắc này chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ.
Nếu nọc rắn được tạo ra từ trong miệng và phun ra từ răng nanh, vậy con rắn có bị ảnh hưởng nếu vô tình nuốt phải chúng? Và nếu nó dùng răng nanh tự cắn vào cơ thể, nó có thể bị chết không? Để trả lời cho những thắc mắc như vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sự hình thành và cách thức truyền độc của loài rắn.
Mục đích chính của nọc độc là làm bất động con mồi và hỗ trợ rắn trong quá trình tiêu hóa.
Vai trò của nọc độc
Nọc rắn là một chất dịch tiết ra trong tuyến nước bọt, được biến đổi đặc biệt để trở thành một loại độc. Mục đích chính của nọc độc là làm bất động con mồi và hỗ trợ rắn trong quá trình tiêu hóa.
Thành phần chính của nọc rắn là protein. Những protein độc hại này khi đi vào máu của các loài động vật sẽ tạo ra các phản ứng phá hủy nguy hiểm. Nọc độc cũng chứa các enzyme đặc biệt có tác dụng phá vỡ các phân tử với tốc độ nhanh, giúp việc tiêu hóa con mồi nhanh hơn. Enzyme hỗ trợ quá trình phân hủy carbohydrate, protein, phospholipids và nucleotide trong con mồi.
Một thành phần khác của nọc rắn là polypeptide. Những polypeptide này là yếu tố tạo nên tính nguy hiểm cho nọc độc. Có thể hiểu polypeptide là chuỗi các axit amin. Nó có thể phá vỡ chức năng tế bào và dẫn tới cái chết của tế bào.
Cơ chế phun nọc và truyền nọc rắn
Phương pháp truyền nọc độc nhanh nhất của loài rắn là sử dụng răng nanh và tiêm vào con mồi. Ngay sau khi răng nanh sắc nhọn đâm xuyên qua da, nọc độc sẽ theo vết thương đi vào máu và bắt đầu chạy qua các cơ quan trong cơ thể.
Bên cạnh đó cũng có một số loài rắn đã hình thành phương pháp tiêm độc theo cách khác, đó là phun độc ra từ răng nanh. Tuy nhiên đây chỉ là một cơ chế phòng thủ và không có tác dụng để giết chết con mồi.
Phương pháp truyền nọc độc nhanh nhất của loài rắn là sử dụng răng nanh và tiêm vào con mồi.
Cơ chế lưu trữ và tiêm nọc của các loài rắn về cơ bản là giống nhau. Đầu tiên là tuyến nọc độc. Các tuyến chuyên biệt này nằm ở trong đầu rắn, chủ yếu ở phía sau cổ họng. Đây là nơi sản xuất lưu trữ nọc độc của rắn. Một bộ phận khác cũng quan trọng không kém là các cơ bắp ở vùng cổ. Nó có tác dụng kẹp chặt con mồi và điều tiết lượng nọc độc xuất ra từ răng nanh.
Hai bộ phận quan trọng cuối cùng là ống dẫn và nanh. Các ống dẫn nối trực tiếp từ tuyến nọc độc tới hai răng nanh của rắn. Đặc biệt răng nanh của rắn không hề đặc như các răng bình thường mà chúng được làm rỗng bên trong để truyền nọc độc vào con mồi dễ dàng hơn.
Vậy thì việc rắn độc tự cắn mình có thể khiến chúng bị chết hay không?
Câu trả lời là có. Nếu nọc độc của chúng tiêm vào trong máu hoặc do một con rắn khác tiêm vào, tác dụng của nọc cũng tương tự như khi rắn tiêm vào con người. Nói cách khác, một con rắn có thể tự sát bằng cách tự cắn, với điều kiện là nó tự tiêm nọc độc vào máu của mình.
Tuy nhiên có một trường hợp khác, đó là nếu con rắn nuốt phải nọc độc qua đường tiêu hóa. Liệu chúng có chết hay không?
Câu trả lời là không. Bởi lẽ thành phần chính trong nọc độc là protein. Để độc tố protein có hiệu lực, chúng phải được tiêm hoặc hấp thụ vào các mô hoặc máu. Việc rắn nuốt phải nọc độc của chính nó không hề có hại, đơn giản vì các độc tố gây hại này sẽ bị phân hủy bởi axit dạ dày và các enzym tiêu hóa. Do đó nọc độc lúc này không còn nguy hiểm nữa.