Một người đàn ông ở Ấn Độ cắn trả lại con rắn độc khiến nó chết tại chỗ sau khi tấn công anh.
Công nhân đường sắt 35 tuổi Santosh Lohar đang làm việc trong khu rừng gần thành phố Nawada ở Bihar, Ấn Độ khi tai nạn xảy ra vào tối hôm 2/7. Khi Lohar đi ngủ, con rắn bất ngờ lao tới cắn anh. Lohar phản ứng cực nhanh bằng cách túm lấy con rắn, cắn trả hai lần và giết chết nó, theo Newsweek.
Santosh Lohar (phải) thoát chết sau tai nạn hy hữu. (Ảnh: India Today).
Ở một số vùng tại Ấn Độ, có quan niệm mê tín cho rằng việc cắn rắn giúp truyền nọc độc trở lại cơ thể nó. "Tại làng của tôi, mọi người tin rằng nếu bị rắn cắn, bạn phải cắn lại nó 2 lần để trung hòa nọc độc" Lohar chia sẻ. Nhà chức trách chưa xác nhận con rắn trong vụ tấn công thuộc loài nào. Sau sự việc, Lohar được đồng nghiệp chở tới bệnh viện. Anh ở lại viện qua đêm, phục hồi tốt sau khi tiêm thuốc kháng nọc độc và xuất viện vào ngày hôm sau.
Ấn Độ là quê hương của nhiều loài rắn đa dạng, bao gồm vài loài rắn kịch độc. Một số loài rắn nguy hiểm nhất trong nước bao gồm rắn hổ mang Ấn Độ, rắn cạp nia thường, rắn lục Russell và rắn lục hoa cân. Đôi khi 4 loài này còn được gọi là "Tứ đại rắn độc" do sở hữu nọc độc mạnh và tỷ lệ người bị thương do rắn cắn cao. Ngoài ra, Ấn Độ còn có rắn hổ mang chia và rắn cạp nong.
Theo một nghiên cứu năm 2020, chỉ riêng rắn lục Russell chiếm 43% số ca rắn cắn ở Ấn Độ từ năm 2000 và 2019, tiếp theo là rắn cạp nia chiếm 18% và rắn hổ mang chiếm 12%. Công nhân nông nghiệp, người dân nông thôn và những người sống gần môi trường sống của rắn có nguy cơ bị rắn độc cắn cao hơn.
Theo cùng nghiên cứu, có 1,2 triệu ca tử vong do rắn cắn từ năm 2000 đến năm 2019 (trung bình 58.000 ca/năm). Xấp xỉ 1,11 - 1,17 triệu trường hợp bị rắn cắn xảy ra hàng năm và 70% trúng nọc độc. Nọc độc của các loài rắn trên thường chưa độc tố thần kinh gây ra những triệu chứng như mắt mờ, sưng mí, khó thở, và độc tố gây rối loạn đông máu hemotoxin dẫn tới đau đớn, sưng phù, thâm tím và chảy máu. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh phần lớn ca tử vong và hậu quả nghiêm trọng do rắn độc cắn có thể tránh được nếu kịp thời tiêm chất kháng nọc độc hiệu quả.