Rất nhiều người cảm thấy bứt rứt nếu không gọi điện, nhắn tin hoặc đăng nhập vào thế giới ảo một lần mỗi ngày. “Công nghệ đang trở thành điều ‘bắt buộc’ thay vì ‘lựa chọn’ của con người. Chúng ta bị ràng buộc vào thế giới ảo và chấp nhận cho nó thay đổi cách sống của mình”, Larry Rosen, đồng tác giả cuốn TechnoStress: Coping with Technology @Work @Home @Play (Sức ép công nghệ: Ảnh hưởng của công nghệ trong công việc, gia đình và giải trí).
Năm 2004, Cục điều tra dân số Mỹ ước tính khoảng 62% người dân nước này sở hữu một điện thoại di động. Công ty tư vấn Yankee tin rằng tỷ lệ đó sẽ là 82% vào năm 2009. Tính đến tháng 4/2006, khoảng 73% người trên 18 tuổi sử dụng Internet, tăng từ 66% trong tháng 1/2005. Còn theo bộ thương mại Mỹ, doanh thu từ thương mại điện tử đã đạt 25,2 tỷ USD trong quý I/2006, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Internet cũng tạo cơ hội cho hàng triệu người chia sẻ, tâm sự, thể hiện bản thân theo cách họ không thể thực hiện trong cuộc sống thực. Tổ chức nghiên cứu Pew cho biết 31% người trưởng thành ở Mỹ từng quen biết nhau qua website mai mối như Match.com hay Yahoo Personals và rất nhiều trong số đó đã thiết lập được mối quan hệ bền vững, lâu dài, thậm chí tiến tới hôn nhân.
Những cộng đồng trực tuyến như Second Life hay The Sims Online cho phép mọi người tự do tạo hồ sơ ảo với tên tuổi, công việc và cả bạn đời không liên quan gì đến cuộc sống thực. Game nhập vai trực tuyến EverQuest, Entropia Universe cũng mang đến cho người chơi cơ hội đầu tư may rủi trong các nền kinh tế ảo. “Thế giới ảo luôn tươi đẹp, quyến rũ và sẽ chẳng có hại gì nếu mọi người không dành tới 80 - 100 giờ mỗi tuần ngập chìm trong đó”, Rosen nói.
Dù các nghiên cứu vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có kết luận cuối cùng, một số chuyên gia tâm lý cảnh báo rằng thể hiện quá nhiều trong thế giới mạng sẽ làm thui chột khả năng giao tiếp thông thường, khiến người ta luôn có cảm giác bị cô lập và đặc biệt là mất dần tính kiên nhẫn. “Chúng ta cảm thấy sốt ruột khi phải chờ đợi dù cũng chẳng lâu la gì. Có người còn khó chịu khi người kia nói chuyện chậm hay khi chưa thấy tin nhắn trả lời”, Rosen cho biết.
“Bọn trẻ bây giờ có thể nói chuyện với nhau bất cứ khi nào, kè kè máy iPod và hơi tí lại đăng nhập vào MySpace hoặc dịch vụ tin nhắn nhanh. Chúng không còn nghĩ đó là các ứng dụng công nghệ nữa, mà tin đấy là khí trời nuôi dưỡng chúng”, John Horrigan, chuyên gia nghiên cứu của Pew, nhận xét.
E-mail giúp mọi người gửi và nhận thông tin nhanh chóng còn tin nhắn IM tạo ra những cuộc trò chuyện thời gian thực. Nhưng điều này đang tạo nên hiện tượng “giao tiếp bên màn hình”, trong đó ngôn ngữ và cách nói chuyện quá khác biệt đến nỗi nhiều người mất dần tính hài hước, thậm chí dễ làm người khác hiểu lầm khi giao tiếp trực diện.
Xa hơn nữa, Barry Steinhardt, Giám đốc công nghệ thuộc Tổ chức quyền tự do công dân Mỹ, lo ngại rằng sẽ đến ngày “mọi hoạt động, mọi lời nói, mọi suy nghĩ của chúng ta đều dễ dàng bị ghi lại và bị điều khiển”.
Ngay cả hiện nay, hệ thống định vị toàn cầu (GPS), camera, chip xác thực tần sóng RFID và công cụ kiểm duyệt e-mail đã xuất hiện nhan nhản trên toàn thế giới. Hoặc chỉ cần gõ tên một người vào công cụ tìm kiếm và danh bạ điện thoại trực tuyến, ta có thể dễ dàng xác định được địa chỉ của họ. Truy cập website địa phương đó, ta sẽ biết căn nhà người họ có giá trị bao nhiêu, họ đóng bao nhiêu tiền thuế...
“Xã hội và nền kinh tế đang dần được ảo hóa và sẽ hoàn toàn số hóa. Dù là 20 hay 50 năm nữa thì điều đó rồi cũng sẽ xảy ra”, Steinhardt khẳng định.