Tối 3/9, thị trấn Trà My và các vùng lân cận ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) liên tiếp xuất hiện rung chấn khiến người dân lo sợ. Đây là dạng động đất kích thích vết đứt gãy dưới lòng hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2.
"Lúc đó khoảng 21h, tôi nghe có đợt rung chuyển mạnh. Cả nhà bật dậy thì cảm thấy mặt đất chao rung chừng 4 phút. Cửa chính, cửa sổ đập rầm rầm như cơn lốc đi qua. Cả nhà tôi phải chui gầm giường, gầm bàn để để phòng nhà sập, mái ngói rơi", bà Trần Thị Hạnh, thị trấn Bắc Trà My kể lại.
Người dân tại khu vực này cho biết, sau đó ít phút lại xảy ra một đợt rung tương tự, nhưng mạnh hơn đợt đầu. Nhiều người dân lo lắng đổ hết ra đường. Còn chủ tịch xã Trà Đốc Hồ Văn Lợi nói: "Sàn nhà tôi liên tục rung chuyển, đồ vật trên bàn ngã đổ, rơi xuống đất".
Xung quanh khu vực đập Sông Tranh 2 từng xảy ra nhiều dư chấn. (Ảnh: Trung Hậu)
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My xác nhận, đêm 3/9 trên địa bàn huyện xảy ra 4 - 5 đợt rung chấn mạnh nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, dư chấn lần này cũng có bán kính khá rộng, không chỉ ở thị trấn Trà My mà các xã Trà Bui, Trà Giác, Trà Tân, Trà Đốc, Trà Giang, Trà Sơn và Trà Dương cũng xảy ra hiện tượng tương tự.
Trước đó, huyện Bắc Trà My, Nam Trà My cũng thường xảy ra các cơn rung chấn (khoảng 3,5 độ richter) kèm tiếng nổ lớn. Theo kết luận của Viện Địa chất và Vật lý địa cầu, đây là dạng động đất kích thích vết đứt gãy Bắc và Tây Bắc dưới lòng hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 và khu vực suối nước nóng, làm tăng khả năng đứt gãy, gây nên động đất kích thích ở cường độ nhẹ. Đoàn khảo sát cũng đã kết luận, hiện tượng này là bình thường, một thời gian sẽ hết.
Tuy nhiên, theo ông Phong, việc liên tiếp có dư chấn khiến người dân và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng tái định cư thủy điện sông Tranh 2 lo lắng, nhiều người bỏ nhà di cư sâu vào rừng phòng hộ. Theo phong tục đồng bào, nếu nơi ở thiếu an toàn, cuộc sống không ổn định thì họ sẽ di dân đến vùng khác. Hệ lụy kéo theo là phá rừng tự nhiên đầu nguồn.
"Ngày 4/9, chính quyền huyện sẽ họp với Bộ Xây dựng về đợt rung chấn này cũng như nội dung thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước", ông Phong nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hải, Trưởng ban Quản lý thủy điện 3 (đặt tại Thủy điện Sông Tranh 2) đã chỉ đạo các bộ phận thu thập các số liệu từ các máy đo, giám sát động đất hiện đang bố trí xung quanh khu vực thủy điện để tiếp tục phân tích tình hình.