Một cá thể san hô có thể hấp thụ tới hơn 100 sợi vi nhựa và được coi là món ăn khoái khẩu đang gây độc cho chúng.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, một số loài san hô hoang dã đang ăn những mảnh rác nhỏ bằng nhựa. Các hạt vi nhựa có thể gây hại cho san hô nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy chúng thích những hạt vi nhựa hơn là thức ăn tự nhiên, nghiên cứu mới vừa được công bố trong Kỷ yếu Hội Hoàng gia về khoa học sinh học (Proceedings of the Royal Society B).
Cá thể san hô "thích" ăn hạt vi nhựa hơn là trứng tôm. (Ảnh: National Geographic).
Nhà nghiên cứu sinh học Randi Rotjan đại học Boston đã có nghiên cứu mới về hệ sinh thái biển, cô và đồng nghiệp đã bắt đầu thu thập loài san hô nhỏ có tên là poculata sống ở bờ biển Đại Tây Dương, từ Massachusetts đến vịnh Mexico. Khu vực này gần với một khu đô thị được dự đoán là có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ nhựa.
Nhóm đã phát hiện có hơn 100 sợi vi nhựa có trong một cá thể san hô. Sau đó, họ tiến hành thí nghiệm nuôi từng cá thể san hô bằng 2 loại thức ăn đó là hạt vi nhựa huỳnh quang màu xanh và trứng tôm ngâm trong nước muối. Vi nhựa huỳnh quang màu xanh là loại nhựa phổ biến trong xà phòng, mỹ phẩm, thậm chí là trong các loại thuốc. Kết quả khiến cho nhóm nghiên cứu phải ngạc nhiên khi san hô ăn nhiều hạt vi nhựa gấp đôi trứng tôm ngâm muối.
Trong một thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu đã cho cá thể san hô ăn các hạt vi nhựa được phủ một lớp vi khuẩn mỏng, lớp vi khuẩn này là vi khuẩn đường ruột E.coli được nhuộm màu xanh huỳnh quang để dễ dàng quan sát. Hơn 48 giờ sau khi nuốt vi nhựa, cá thể san hô đã nhổ chúng ra nhưng vi khuẩn đường ruột E. coli phát quang vẫn tồn tại bên trong khoang tiêu hóa san hô. Tất cả các cá thể san hô đã ăn vi nhựa có vi khuẩn E. coli và chết chỉ trong vòng hai tuần sau đó.