Phát hiện mới nhất dựa trên dữ liệu của NASA cho thấy sao Mộc có những đám mây nước khổng lồ, trữ lượng oxy khá lớn và khả năng tồn tại một dạng sự sống đặc biệt.
Những đám mây nước này được tìm thấy ngay trong Great Red Spot – cơn bão màu đỏ tồn tại nhiều thế kỷ trên sao Mộc. Các đám mây nước nằm sâu bên trong vùng bão tố và hiển thị sắc đỏ qua hình ảnh đã chỉnh màu để có thể quan sát rõ của NASA. Ngoài ra, ước tính lượng oxy trên hành tinh này nhiều gấp 2 đến 9 lần mặt trời.
Hình ảnh thực của sao Mộc - (ảnh: NASA).
Hình ảnh phóng to và chỉnh màu cho thấy những vùng màu đỏ tươi là những đám mây nước khổng lồ nằm sâu bên dưới siêu bão màu đỏ kéo dài hàng thế kỷ của sao Mộc - (ảnh: NASA).
Phát hiện này củng cố thêm một giả thuyết của NASA cho rằng có một hình thức "sự sống kỳ lạ" theo nguyên văn cách gọi của NASA trên hành tinh khí khổng lồ này.
Các dữ liệu trên vừa được công bố trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Astronomical Journal.Nghiên cứu do giáo sư Imke de Pater thuộc Đại học California ở Berkeley (Mỹ) dẫn đầu, sử dụng các dữ liệu mới nhất của NASA về sao Mộc. Nghiên cứu còn cho biết một sự thật thú vị về sao Mộc: nó đã được hình thành từ một nơi khác, sau đó mới "di cư" đến vị trí hiện tại.
Ảnh cận cảnh cho thấy siêu bão màu đỏ nổi bật của sao Mộc - (ảnh: NASA).
Nhà khoa học Gordon Bjoraker cho biết họ đã quan sát kỹ cơn bão màu đỏ của sao Mộc bằng kính thiên văn nhạy nhiệt và phát hiện dấu hiệu hóa học của nước. Đó thực sự là nước H2O y như trái đất và rất dồi dào!
Trước đây, NASA từng tuyên bố rằng trong một độ cao nhất định của bầu khí quyển sao Mộc có tồn tại những hóa chất cần thiết cho một dạng sống kỳ lạ nào đó.
Một hình ảnh mới được NASA công bố cho thấy sao Mộc là một hành tinh bão tố với lớp mây bên trên biến chuyển liên tục - (ảnh: NASA).
Hình ảnh quan sát bằng kinh thiên văn nhạy nhiệt này đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra dấu hiệu hóa học của nước - (ảnh: Gordon Bjoraker).
Phát hiện mới này là dữ kiện bổ sung rất lớn cho công cuộc nghiên cứu của Juno – tàu thăm dò vũ trụ của NASA đang hoạt động trên sao Mộc. Juno cũng đang dò tìm nước bằng máy đo quang phổ hồng ngoại và máy đo phóng xạ vi sóng, có khả năng thăm dò sâu vào bên trong bầu khí quyển của sao Mộc.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu xem liệu hành tinh này có lõi làm bằng đá và băng hay không.
Các nghiên cứu trước cho thấy lớp bên trên của sao mộc đầy mây amoniac (NH3), loại khí có mùi khai khó ngửi. Lớp bên dưới mây NH3 là mây NH4SH và bên dưới nữa, mới là những đám mây nước.
Sơ đồ các lớp mây trên sao Mộc - (ảnh: NASA).
Tàu vũ trụ Juno - (ảnh: AP).
Sao Mộc là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt trời và được cho là hành tinh hình thành đầu tiên bằng cách hút các nguyên tố còn sót lại sau sự hình thành mặt trời. Ngoài bản thân sao Mộc, mặt trăng Europa của nó cũng là mục tiêu lớn của NASA và các cơ quan không gian khác trên thế giới trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.