Sẽ khoán tới sản phẩm cuối cùng cho nhà khoa học

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, nhà nước sẽ thí điểm cơ chế khoán tới sản phẩm cuối cùng, mua kết quả nghiên cứu để các nhà khoa học có thể yên tâm làm việc.

Đây có thể xem là một trong những bước đi rất mới để đưa nền khoa học và công nghệ phát triển, bởi lâu nay những vướng mắc về quyết toán tài chính vẫn luôn là rào cản lớn nhất với nhà khoa học.

- Thưa Bộ trưởng, năm 2012 có thể xem là một năm quan trọng khi nhiều đề án, chương trình trọng điểm được phê duyệt. Đây cũng là năm Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) trình Quốc hội Luật KHCN sửa đổi với nhiều cải tiến đáng kể và các nhà khoa học đang chờ đợi sự thay đổi ấy trở thành hiện thực. Năm 2013, điểm nhấn quan trọng của Bộ sẽ là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng tôi sẽ tập trung để Quốc hội thông qua Luật KHCN sửa đổi. Trong Luật sẽ chú trọng vào các trọng tâm để xây dựng các văn bản dưới luật, đó là phương thức đầu tư đổi mới KHCN và chính sách trọng dụng cán bộ khoa học.

Năm 2013 cũng là năm khởi động toàn bộ các chương trình quốc gia về KHCN. Trong đó có 3 chương trình lớn nhất là chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia đổi mới KHCN và chương trình quốc gia phát KHCN cao.

Hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ, trong giai đoạn tiếp theo chúng ta sẽ có những sản phẩm KHCN có giá trị cao hơn, có tầm ảnh hưởng lớn hơn.

- Có một thực tế trong những năm qua, các nhà khoa học thường ngại đi quyết toán tài chính hơn là nghiên cứu ra sản phẩm khoa học. Nút thắt này sẽ được Bộ KHCN giải quyết như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Giới khoa học là những người mong muốn được làm việc trung thực và khoa học nhất. Bởi thế, người ta rất mong muốn đổi mới cơ chế tài chính để không mất nhiều thời gian hợp thức hóa chứng từ mà dành thời gian để chuyên tâm nghiên cứu.

Chúng tôi phải thể chế hóa nghị quyết của Đảng về KHCN, bằng việc xây dựng Luật KHCN sửa đổi và các văn bản dưới luật. Trong đó, các cơ chế tài chính sẽ phải tháo gỡ đồng bộ ở các khâu xây dựng kế hoạch hàng năm, đổi mới phương thức tổ chức thực hiện, thay đổi mức chi cho các nhà khoa học có thể làm việc một cách trung thực và đảm bảo hiệu quả của dự án.

Chúng tôi cũng thí điểm cơ chế khoán chi tới sản phẩm cuối cùng. Nghĩa là khi các nhà khoa học giao nộp tới kết quả cuối cùng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài dự án cam kết ban đầu thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ, giai đoạn trung gian sẽ không cần thiết nữa. Nhà khoa học tự chịu trách nhiệm với các cơ quan quản lý về việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, chúng ta phải thí điểm cơ chế nhà nước sẽ đứng ra mua sản phẩm KHCN của các nhà khoa học. Như vậy, các nhà khoa học có thể dùng nguồn vốn từ bất cứ nguồn nào để làm nghiên cứu và sau khi có sản phẩm nhà nước sẽ mua theo giá thỏa thuận.

Khi chúng ta thực hiện cơ chế mua kết quả nghiên cứu thì đó sẽ là động lực để các nhà khoa học yên tâm làm khoa học, đảm bảo chất lượng cũng như là kết quả nghiên cứu của mình.

Tất nhiên, thí điểm sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh, chúng tôi sẽ phải đánh giá tổng kết rồi nhân rộng. Tuy nhiên, tôi tôi cho rằng đây là một phương thức phù hợp với thông lệ quốc tế và hầu hết các quốc gia đều áp dụng.

- Thưa Bộ trưởng, việc khoán chi tới sản phẩm cuối cùng nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến những trường hợp xấu?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Để tránh tình trạng này, đầu ra và đầu vào sẽ được thắt chặt. Nhà khoa học phải xây dựng dự toán với định mức do nhà nước quy định, sau đó các cơ quan sẽ thành lập các hội đồng để thẩm định và đánh giá. Khi đã trình để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì kinh phí ấy sẽ được khoán cho các nhà khoa học.

Khi nhà khoa học thực hiện xong vẫn có hội đồng nghiệm thu để xem sản phẩm ấy có đáp ứng tiêu chí và đề tài đã đặt ra hay không, đúng cam kết hay không. Nếu sản phẩm đáp ứng được thì coi như nhà khoa học đã hoàn thành nhiệm vụ.

- Hiện nay, đầu tư cho KHCN chỉ chiếm 2% ngân sách. Theo ông, đây có phải là mức đầu tư thấp hay không và làm thế nào để huy động doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, đầu tư cho KHCN mới chỉ ở ngân sách nhà nước. Mức 2% không phải là thấp song Việt Nam còn nghèo nên 2% tổng ngân sách giá trị tuyệt đối còn rất nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước.

Hiện, chúng ta đang huy động nguồn đầu tư của toàn xã hội, đặc biệt từ doanh nghiệp cho KHCN và coi đây là giải pháp rất quan trọng để có được nguồn kinh phí lớn đủ đáp ứng cho hoạt động này.

Việc huy động này thông qua việc bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải giành một tỷ lệ nhất định lợi nhuận trước thuế thành lập một Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Tỷ lệ đó là bao nhiêu % tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất kinh doanh của họ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng khuyến khích doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế cũng theo mô hình của doanh nghiệp nhà nước.

Chúng tôi cùng Bộ tài chính quy định một cách hợp lý hơn về cách sử dụng quỹ này. Hiện, doanh nghiệp dành ra 75% kinh phí và 25% là của nhà nước song bị kiểm soát tới 100% như ngân sách nhà nước nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc lập quỹ.

Với các giải pháp đồng bộ như vậy, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ huy động được đầu tư của xã hội cao gấp nhiều lần so với đầu tư của nhà nước để hỗ trợ KHCN phát triển.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Đặc biệt trọng dụng nhà khoa học xuất sắc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Bộ KHCN sẽ có chính sách trọng dụng đặc thù đối lĩnh vực nhà khoa học trong KHCN tập trung 3 đối tượng: nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao nhiệm vụ của quốc gia và nhà khoa học trẻ thực sự có tài năng.

Theo đó, các nhà khoa học trên sẽ được ưu đãi bằng môi trường làm việc, điều kiện làm việc tốt nhất, được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Ngoài ra, họ sẽ được tự chủ nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, tự thỏa thuận mức lương giành cho người làm việc cùng với họ cũng như được tự do nghiên cứu sáng tạo trong đặt hàng nhà nước.

Các nhà khoa học trên cũng sẽ được chủ động trong việc hội nhập quốc tế, tham dự hội thảo hội nghị quốc tế trong lĩnh vực của mình, mua sách báo tài liệu, thiết kế, bí quyết công nghệ bằng ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, việc chính sách này đi vào thực tế sẽ phụ thuộc vào Luật KHCN sửa đổi để từ đó làm căn cứ pháp lý xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và quyết định cho từng trường hợp.

 

Theo Vietnamplus
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video