Tổng cục II, Bộ Công An dự kiến sẽ đề xuất thành lập một cục cảnh sát quản lý môi trường, hoạt động gần giống như cục phòng cháy chữa cháy. Cục này sẽ kiểm tra và kiến nghị xử lý hành chính với các vi phạm môi trường không nghiêm trọng.
Thông tin được ông Trần Văn Thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Công an, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án, đưa ra.
Đối với những vi phạm nghiêm trọng, cần phải xử lý hình sự, như nhập rác thải độc hại, đánh mất nguồn phóng xạ hay xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng một vùng..., ông Thảo cho biết sẽ đề nghị thành lập một phòng điều tra về tội phạm môi trường, trực thuộc Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ, để xử lý. Hiện nay, loại tội phạm này vẫn do Cục điều tra, nhưng chưa có đơn vị chuyên trách.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thảo, do lực lượng công an khá mỏng không thể quản lý hết các vụ việc, vì thế hướng đề xuất là sẽ phân cấp cho cảnh sát trật tự hoặc cảnh sát khu vực xử lý những vi phạm nhỏ, như vứt rác ra đường... Trước mắt, cảnh sát môi trường sẽ được thành lập ở các thành phố lớn và những khu công nghiệp, là nơi xuất hiện nhiều vi phạm nhất.
Để tạo điều kiện cho cảnh sát môi trường, phía Bộ Công An sẽ thống kê những loại hành vi phạm tội thông qua các vụ việc, sai phạm, từ đó phân loại theo mức độ, đồng thời trao đổi với các ngành có liên quan để cụ thể hoá khung hình phạt cho từng loại vi phạm.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, việc thành lập lực lượng cảnh sát môi trường (với các chế tài cưỡng chế) sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường hiện nay, vốn tập trung vào việc giáo dục ý thức như tuyên truyền, thuyết phục. Theo ông Nguyên, ở các nước như Singapore, hay Thụy Điển, quân số của cảnh sát môi trường còn lớn hơn các lực lượng khác. Chẳng hạn, nếu một người dân nhổ bậy, xả rác hay vứt đầu mẩu thuốc lá ra đường, sẽ có cảnh sát môi trường xử phạt tại chỗ.
T. An