Sên bùn New Zealand có kích thước nhỏ xíu, nhưng điều này không ngăn chúng đang tổ chức cuộc “xâm lăng” địa cầu.
>>> Ốc sên khổng lồ gieo rắc nỗi lo tại Mỹ
Sên bùn nguy hiểm từ New Zealand - (Ảnh: ĐH Alcala)
Sên Potamopyrgus antipodarum có bề ngoài không khác chi đầu bút chì, nhưng chúng đang lan nhanh từ New Zealand đến châu Á và châu Mỹ, tấn công các loài sên bản địa ở các nơi khác.
Điều gì khiến loài sên bùn nhỏ nhoi này trở thành kẻ xâm lược hùng mạnh? Câu trả lời nằm ở khả năng sinh sản quá nhanh của chúng. Con cái có thể sản sinh đến 230 hậu duệ mỗi năm và đặc biệt là chẳng cần đến con đực.
Và các nhà nghiên cứu vừa phát hiện loài sên này còn có thể sống sót không cần nước trong vòng hai ngày, có nghĩa là chúng có thể chui rúc trên thân chim chóc, thiết bị câu cá hoặc động vật trên cạn để đến lãnh thổ mới.
Các chuyên gia Tây Ban Nha là Alvaro Alonso và Pilar Castro-Diez của Đại học Alcala đã rút ra kết luận trên khi thực hiện những cuộc thí nghiệm đối với sên bùn New Zealand, theo báo cáo trên chuyên san NeoBiota.
Với thông tin trên, các nhà khoa học đã đưa ra một số lời khuyên để ngăn chặn tình trạng lan tỏa của loài sên này. Chẳng hạn như dụng cụ đánh bắt cá cần được phơi khô trong ít nhất 50 giờ liên tục nếu ngư dân thường xuyên hoạt động ở những vùng biển khác nhau.