Ngoài tổn thương về mặt tinh thần, thời gian nằm viện kéo dài còn khiến người bệnh phải khổ sở vì đau đớn. Điều này thường thấy ở những ai bị bệnh loét da, với nguy cơ nhiễm trùng cao và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.
Siêu âm có thể rút ngắn thời gian chữa lành vết thương
Nhận thức được điều đó, nhóm các nhà nghiên cứu tại Anh đã phát triển một kỹ thuật mới, hứa hẹn sẽ cắt giảm ⅓ thời gian chữa lành các vết thương mãn tính, nhờ sử dụng sóng siêu âm cường độ thấp.
Chữa lành vết thương là một vấn đề không hề đơn giản đối với 2 nhóm: người già và người mắc bệnh tiểu đường. Khi một người trẻ, khỏe mạnh gánh chịu một tổn thương nào trên da, tế bào mô liên kết được gọi là nguyên bào sợi sẽ di chuyển đến khu vực hình thành vết thương và thúc đẩy quá trình làm lành. Tuy nhiên đối với hai nhóm người kể trên, các nguyên bào sợi không thể di chuyển đến phần da bị tổn thương và làm nhiệm vụ của mình. Điều này thậm chí có thể dẫn đến việc bắt buộc phải cắt cụt chi.
Nhờ sóng siêu âm, nguyên bào sợi có thể di chuyển và chữa lành vết thương một cách dễ dàng.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sheffield và Đại học Bristol (Anh) cho rằng siêu âm cường độ thấp có thể khắc phục vấn đề này. Trong một nghiên cứu mới, các chuyên gia phát hiện các rung động của sóng siêu âm sẽ kích hoạt một con đường nhất định, thay thế cho lối đi thông thường của các nguyên bào sợi. Tiến hành thử nghiệm trên những con chuột già và bị đái tháo đường, thời gian làm lành vết thương giảm đến 30%.
Tiến sĩ Mark Bass - tác giả chính của nghiên cứu khẳng định việc ứng dụng phương pháp điều trị mới trên cơ thể người là hoàn toàn có thể và sẽ được đưa vào thực tiễn trong vòng 3 - 4 năm tới. Hơn nữa, vì hoàn toàn dựa vào các yếu tố tự nhiên, các biến chứng về sau rất khó có thể xảy ra. Hiện các nhà khoa học đang tìm cách điều chỉnh thêm một số đặc điểm nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị.