Siêu bão Yagi đổ bộ Trung Quốc hai lần

Hơn một giờ sau khi Yagi đổ bộ, Hải Nam (miền Nam Trung Quốc) đã chứng kiến ​​tình trạng mất điện, ảnh hưởng đến 830.000 hộ gia đình trong tỉnh, Tân Hoa Xã cho biết.

Siêu bão mạnh nhất châu Á trong năm, siêu bão Yagi, đã đổ bộ vào Hải Nam, miền Nam Trung Quốc hôm 6/9, mang theo những cơn gió mạnh và mưa lớn gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, làm tê liệt tỉnh đảo du lịch được gọi là "Hawaii của Trung Quốc".

830.000 hộ gia đình mất điện

Với sức gió mạnh nhất liên tục lên tới 234 km/giờ gần tâm bão, Yagi được ghi nhận là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới trong năm 2024 cho đến nay, sau cơn bão cấp 5 Beryl ở Đại Tây Dương và là cơn bão nghiêm trọng nhất ở lưu vực Thái Bình Dương trong năm nay.


Người dân đi ngang qua những cây đổ giữa gió mạnh và mưa lớn khi bão Yagi đổ bộ vào tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: VCG).


Một người đi bộ đi ngược gió trên phố ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua/REX/Shutterstock).

Sau khi tăng gấp đôi sức mạnh kể từ khi cướp đi sinh mạng của 16 người ở miền Bắc Philippines vào đầu tuần này, Yagi đã tấn công vào thành phố Văn Xương ở Hải Nam vào chiều 6/9.

Hơn một giờ sau khi Yagi đổ bộ, Hải Nam đã chứng kiến ​​tình trạng mất điện, ảnh hưởng đến 830.000 hộ gia đình trong tỉnh, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã cho biết.

Tân Hoa Xã cho biết thêm, cơ sở cung cấp điện của tỉnh đã thành lập một đội ứng phó khẩn cấp gồm 7.000 thành viên sẽ bắt tay vào sửa chữa ngay khi điều kiện cho phép.

Đến đêm 6/9, điện đã được khôi phục cho 260.000 hộ gia đình.

Trước khi bão Yagi đổ bộ, Hải Nam đã hủy các chuyến bay và phà, đóng cửa các doanh nghiệp và yêu cầu dân số hơn 10 triệu người không ra ngoài.


Những hình ảnh đầu tiên sau khi siêu bão Yagi đổ bộ Hải Nam. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Cơn bão đã đóng cửa các trường học, doanh nghiệp và tuyến giao thông ở Hong Kong, Macau và tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc cũng như các sân bay ở Việt Nam - nơi bão dự kiến sẽ đổ bộ vào cuối tuần.

Đổ bộ lần thứ hai

Vào đêm 7/9, Yagi đã vượt qua eo biển Quỳnh Châu ở phía bắc Hải Nam và đổ bộ lần thứ hai vào Quảng Đông với sức gió vẫn vượt quá 200 km/giờ.

Tại Quảng Đông, hơn 574.500 người đã được sơ tán khỏi các khu vực có nguy cơ vào buổi trưa, hơn hai phần ba trong số đó đến từ thành phố Trạm Giang.

Tại trung tâm tài chính của Hong Kong, sàn giao dịch chứng khoán đã đóng cửa. Cơ quan quản lý sân bay Hong Kong cho biết hoạt động đã trở lại bình thường sau khi 50 chuyến bay bị hủy hôm 5/9 và thành phố hơn 7 triệu dân này cũng đã hạ cảnh báo bão xuống một bậc sau buổi trưa khi Yagi di chuyển về phía tây hướng tới Việt Nam.

Cầu vượt biển dài nhất thế giới, cây cầu chính nối liền Hong Kong với Macau và Chu Hải ở Quảng Đông (Trung Quốc), cũng đã mở cửa trở lại vào chiều 6/9 sau khi bị đóng cửa từ 5/9. Tuy nhiên, các dải mưa lớn liên quan đến Yagi vẫn sẽ mang đến những trận mưa rào lớn cho khu vực này. Thành phố lân cận Thâm Quyến đã ban hành cảnh báo cao nhất về mưa.

Yagi là cơn bão nghiêm trọng nhất đổ bộ vào Hải Nam kể từ năm 2014, khi Bão Rammasun đổ bộ vào tỉnh đảo này với mức độ là cơn bão nhiệt đới cấp 5. Rammasun đã cướp đi sinh mạng của 88 người ở Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, đồng thời gây ra thiệt hại kinh tế hơn 44 tỷ nhân dân tệ (6,25 tỷ USD).

"Cơn bão không nghiêm trọng như lo ngại ban đầu và cho đến nay thiệt hại đang ở mức tối thiểu vì cơn bão đổ bộ vào Hải Nam (và không phải Quảng Đông)", Qizhao, một nông dân trồng chuối tại tỉnh Quảng Đông chia sẻ. Ông Qizhao ban đầu đã lo ngại rằng Yagi có thể phá hủy nhiều tháng làm việc vất vả của ông.

Ông cho biết cư dân địa phương đã gia cố cây trồng bằng các cột để bảo vệ chúng khỏi gió lớn. Tuy nhiên, ông vẫn không lơ là cảnh giác cho đến khi cơn bão đi qua.

Hình thành trên vùng biển ấm phía đông Philippines và đi theo đường đi tương tự Rammasun, Yagi đã đổ bộ vào Trung Quốc với mức độ là cơn bão cấp 4, mang theo những cơn gió đủ mạnh để lật đổ xe cộ, nhổ bật gốc cây và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đường sá, cầu cống và các tòa nhà.


Các nhân viên chuẩn bị ứng phó với siêu bão Yagi đang xếp bao cát tại Cảng Xinhai hôm 4/9 tại Hải Khẩu, Hải Nam. (Ảnh: Luo Yunfei/China News Service/VCG).

Siêu bão Yagi được cho là hiện tượng thời tiết cực hiếm, do hầu hết các cơn bão đổ bộ vào khu vực này đều rất yếu.

Từ năm 1949-2023, đã có 106 cơn bão đổ bộ vào Hải Nam nhưng chỉ có 9 cơn bão được phân loại là siêu bão.

Cho đến nay, chưa có ghi nhận nào về trường hợp tử vong liên quan tới cơn bão ở Hải Nam.

Các nhà khoa học cho biết các cơn bão đang trở nên mạnh hơn, do đại dương ấm hơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Tuần trước, cơn bão Shanshan đã đổ bộ vào phía tây nam Nhật Bản, trở thành cơn bão mạnh nhất tấn công quốc gia này trong nhiều thập kỷ.

Yagi được đặt tên theo từ tiếng Nhật có nghĩa là dê và chòm sao Ma Kết, một sinh vật thần thoại nửa dê, nửa cá.
Cập nhật: 07/09/2024 Znews
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video