Cơn đau đớn do xúc tu của sinh vật biển kịch độc gây ra buộc đoàn quay phim BBC đi tiểu lên vết thương để giảm bớt khó chịu.
Đoàn quay phim của BBC buộc phải tháo chạy sau khi bị những con Portuguese man o' war đốt trong lúc ghi hình chương trình tài liệu tự nhiên Blue Planet II ở ngoài khơi quần đảo Canary thuộc Đại Tây Dương, Sun hôm nay đưa tin.
Sứa lông châm làm tê liệt con mồi. (Video: BBC).
Những chiếc xúc tu dài 30 mét của chúng chích vào tay các nhà quay phim, khiến họ quằn quại vì đau đớn và buộc phải đi tiểu lên vết thương để giảm nhẹ cơn đau.
"Một khi bị đốt, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tim đập thực sự nhanh. Bạn phải lao lên khỏi mặt nước và đi gần 13km để quay vào bờ. Những chiếc xúc tu đâm vào da bạn, do đó bạn phải cạo phần da đó đi, làm sạch tế bào đốt một cách cẩn thận bởi càng lúc chúng càng tiết ra nhiều nọc độc hơn", Andrea Casini, trợ lý quay phim, cho biết.
"Cơn đau có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ và bạn sẽ làm bất kỳ điều gì để nó biến mất. Sau khi bị đốt, chúng tôi thử mọi cách, dùng nước nóng, nước lạnh, thậm chí đi tiểu lên vết thương theo mẹo truyền thống nhưng không có tác dụng", Casini chia sẻ.
Portuguese man o' war có tua mang độc tố cao, có thể gây đau đớn dữ dội, thậm chí là tử vong.
Cuối cùng, đoàn quay phim phát hiện dùng kem cortisone có thể chữa được vết thương. "Cơn đau được bù đắp xứng đáng bằng cảnh quay độc nhất", Casini nói. Các nhà làm phim ghi lại khoảnh khắc Portuguese man o' war làm tê liệt một con cá sau ba tháng ở quần đảo Canary.
Portuguese man o' war (tên khoa học Physalia physalis) có hình dáng giống sứa nhưng không phải là một loài đơn mà là một quần thể nhiều cá thể nhỏ gọi là thủy tức. Tua của chúng mang độc tố cao, có thể gây đau đớn dữ dội, thậm chí là tử vong.