Giới khoa học phát hiện một loài vi sinh vật dưới đáy biển sâu, dường như không tiến hóa sau hai tỷ năm.
Các nhà nghiên cứu khảo sát vi khuẩn lưu huỳnh (sulfur bacteria), được lưu giữ trong tảng đá ở vùng nước ven biển phía tây Australia, có niên đại khoảng 1,8 tỷ năm tuổi. Vi sinh vật này có kích thước rất nhỏ và không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Hóa thạch 1,8 tỷ năm tuổi ven biển phía tây Australia. Ảnh: UCLA
Kết quả cho thấy, vi khuẩn lấy từ tảng đá hóa thạch trông giống vi khuẩn trong cùng vùng từ 2,3 tỷ năm trước. Các vi khuẩn cũng hoàn toàn giống với vi khuẩn lưu huỳnh hiện đại tìm thấy trong lớp bùn ven biển Chile.
"Thật đáng kinh ngạc khi sự sống không tiến hóa hơn hai tỷ năm, gần một nửa lịch sử của Trái Đất. Tiến hóa là một thực tế, do đó tình trạng không tiến hóa cần được giải thích", Science World Report dẫn lời J.William Schopf, thành viên tham gia nghiên cứu, nói.
Quy luật sinh vật học là không tiến hóa trừ khi thay đổi môi trường vật lý hoặc sinh học. Trong trường hợp trên, môi trường mà các vi sinh vật sống cơ bản vẫn giữ nguyên trong suốt ba tỷ năm.
"Những vi sinh vật này thích nghi tốt với môi trường vật lý và sinh học đơn giản, rất ổn định. Nếu chúng sống trong một môi trường không hề thay đổi nhưng vẫn tiến hóa thì sự hiểu biết của chúng ta về quá trình tiến hóa của Darwin là thiếu sót nghiêm trọng", Schopf cho hay.