Nếu như cách đây hai năm sự xuất hiện của Skype được coi là một điểm nhấn trên thị trường thoại PC-to-PC miễn phí thì hiện nay thị trường này đang chứng kiến giai đoạn bùng nổ của các dịch vụ VoIP ra đời trên nền các ứng dụng peer-to-peer.
Peer-to-Peer là mạng chia sẻ ngang hàng cho phép tương tác trực tiếp giữa hai máy tính cùng cài đặt một phần mềm ứng dụng mà không phải thông qua các máy tính trung gian. Chúng ta có thể kể đến các tên tuổi quên thuộc như GoogleTalk của Google, Triton của AOL (America Online Inc), Yahoo Messenger của Yahoo, IVE của Sony, tuy nhiên hai gương mặt được mong đợi có thể là đối thủ thực sự của Skype là Gizmo Project và PeerMe. Gizmo Project được trình làng vào tháng 07/2005 với mong muốn trở thành một đối thủ nặng ký trên thị trường VoIP. Gizmo cho phép người sử dụng có được tất cả các dịch vụ mà Skype đang có. Tuy nhiên, điểm nhấn của Gizmo Project không phải là số lượng các dịch vụ hay giá cả rẻ hơn (PC-to-Phone) mà là khả năng tương tác về mặt công nghệ. Nếu như Skype và các nhà cung cấp VoIP dùng ứng dụng peer-to-peer truyền thống chỉ cho phép các thành viên tương tác với nhau khi họ sử dụng chung một phần mềm hay platform, thì người sử dụng của Gizmo Project còn có thể tương tác với user của rất nhiều hệ thống VoIP khác. Ngay cả với các hệ thống tổng đài PBX trên nền giao thức SIP - SIP, hay còn gọi là giao thức khởi tạo phiên - Session Initiation Protocol, cung cấp khả năng tích hợp một cách dễ dàng tiếng nói với các dịch vụ Web khác, Gizmo Project cũng cho phép giao tiếp. Mặc khác, nếu như Skype dùng các platform theo chuẩn đóng và độc quyền thì platform của Gizmo Project hoàn toàn được xây dựng theo chuẩn mã nguồn mở. Đây là một lợi thế rất lớn của Gizmo Project khi mà xu hướng sử dụng các dịch vụ trên nền VoIP của các hộ gia đình, các doanh nghiệp và các trường học ngày càng được khẳng định – đây là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng Gizmo Project đã đi đúng hướng.
Trong khi đó, PeerMe được giới thiệu vào tháng 09/2005 nhắm đến một số thị trường Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ và dùng chiêu thức kinh doanh hoàn toàn khác so với Skype và Gizmo Project. PeerMe không cạnh tranh theo phương châm: “giá rẻ hơn, chất lượng tốt” hơn như các công ty cung cấp điện thoại Internet khác thường thực hiện. “PeerMe không phải đơn thuần là một cuộc điện thoại, mà là sự tích hợp giữa chức năng thoại và Web” - Tom Lasater, người sáng lập đồng thời là CEO của PeerMe, cho biết.
Theo đó, các blogger (các chủ nhân của các trang blog) ở khắp nơi có thể nhanh chóng gặp nhau và trò chuyện với các blogger mà mình yêu thích. Để theo đuổi chiến lược kinh doanh này, PeerMe đã kết hợp chặt chẽ với các nhà phát triển Web và các công ty quản trị cơ sở dữ liệu (database) khắp Châu Á. Trong tương lai, PeerMe hy vọng sẽ tạo được nguồn thu khi kết hợp được dịch vụ của mình với các dịch vụ cung cấp database trực tuyến. PeerMe cũng giới thiệu hai dịch vụ có thể đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng, đó là một website hẹn hò (dating site) cho phép user nói chuyện với những người tâm đầu ý hợp và dịch vụ trao đổi ngôn ngữ (language exchange) cho phép user luyện tập ngoại ngữ với người bản ngữ.
Một khía cạnh khác về mặt công nghệ mà PeerMe muốn khai thác là xu hướng tích hợp giữa Internet và các thiết bị di động. Theo đó, những người sử dụng điện thoại di động sẽ sử dụng PeerMe không chỉ để tiếp cận đến các dịch vụ quen thuộc như game, âm nhạc.., mà còn có thể giao tiếp một cách dễ dàng với các blogger, các website hẹn hò và những người mà họ muốn luyện tập ngoại ngữ. Với Gizmo Project, cấu trúc mở, dể dàng thực hiện các cuộc gọi đến các mạng cố định và di động, cho phép lưu trữ thông tin cuộc gọi và tính tương tác cao với các mạng VoIP khác quả là những ưu thế không cần phải bàn cãi, nhưng hiện nay, các kết nối VoIP tiện lợi nhất cho người sử dụng vẫn là các kết nối nội mạng – nếu các công nhân cổ trắng đang hài lòng với Skype thì có lẽ họ không dễ gì chuyển qua một mạng khác, cho dù đó là Gizmo Project. Do vậy, Gizmo Project phải thực hiện nhiều giải pháp đột phá để tăng số lượng thuê bao của mình trước khi tính đến chuyện ngáng đường Skype. Với PeerMe, phương châm xây dựng các cộng đồng user trên nền Web và chia sẻ database trực tuyến tỏ ra rất thuyết phục đứng ở góc độ đón đầu các xu hướng công nghệ. Tuy nhiên, PeerMe còn phải làm việc cật lực để lôi kéo các nhà phát triển web, cũng như các công ty quản lý database nhằm hiện thực hóa chiến lược kinh doanh của mình.
Dĩ nhiên, trong bối cảnh công nghệ VoIP thay đổi từng ngày với sự xuất hiện của rất nhiều đối thủ cạnh tranh, Skype cũng không muốn đứng làm khán giả. Không chỉ mở rộng dịch vụ PC-to-Phone SkypeOut sang Châu Á – Skype đã hợp tác với Pacific Internet để cung cấp dịch vụ này tại Singapore và đang tiến hành xin giấy phép để cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc – mà mới đây, Skype đã giới thiệu phiên bản thử nghiệm 2.0 cho phép user thực hiện video call miễn phí.
Quả thật, các nhà cung cấp dịch vụ VoIP trên nền các ứng dụng peer-to-peer đang thực hiện một cuộc chạy đua cải tiến công nghệ với nhiều chiêu thức kinh doanh thú vị và dĩ nhiên, người được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chạy đua này chính là khách hàng.
Bá Lâm