Số phận của những lá cờ Mỹ cắm trên Mặt Trăng

Những lá cờ do phi hành gia Mỹ cắm trên bề mặt của Mặt trăng trong chương trình Apollo ngày càng phai màu và phân hủy.

Bức ảnh phi hành gia Buzz Aldrin tự hào đứng bên cạnh lá cờ Mỹ trên Mặt trăng vào ngày 20/7/1969 trong chương trình Apollo 11 đã nói với thế giới rằng "nước Mỹ từng ở đây", theo Business Insider. Tuy nhiên, tất cả 6 lá cờ Mỹ cắm trên Mặt trăng từ năm 1969 đến 1972 đang có dấu hiệu hư hỏng.

Cách đây 55 năm, vào ngày 20/7/1969, lá cờ Mỹ đầu tiên được dựng lên trên Mặt trăng trong chuyến đi bộ kéo dài 2,5 tiếng của hai phi hành gia NASA Neil Armstrong và Buzz Aldrin. Quá trình cắm cờ diễn ra trong khoảng 10 phút, trở thành một trong những cột mốc đáng nhớ nhất của nhiệm vụ Apollo 11.


Phi hành gia Buzz Aldrin đứng bên cạnh một lá cờ trên Mặt trăng. (Ảnh: NASA).

Các kỹ sư NASA đã gặp nhiều thách thức kỹ thuật khi thiết kế cột cờ. "Họ thiết kế cột cờ gắn thêm thanh ngang để lá cờ 'bay' mà không cần gió, giúp khắc phục tác động của việc thiếu lớp khí quyển dày. Những yếu tố khác được tính đến khi thiết kế là trọng lượng, khả năng chịu nhiệt và tính dễ lắp ráp với phi hành gia bị hạn chế chuyển động và khả năng cầm nắm đồ vật do mặc bộ đồ vũ trụ", Anne Platoff, nhà sử học kiêm chuyên gia nghiên cứu cờ tại Đại học California Santa Barbara, giải thích.

Trong cuộc họp kỹ thuật của phi hành đoàn, Armstrong và Aldrin báo cáo một số vấn đề với việc cắm cờ. Họ gặp sự cố khi kéo thanh ống lồng nằm ngang phía trên lá cờ và không thể kéo dài nó hết cỡ. Tuy nhiên, điều này mang lại một chút "hiệu ứng gợn sóng" sống động cho lá cờ. Các phi hành đoàn sau đó đã cố tình để thanh ngang thu vào một phần theo cách tương tự.

Phi hành đoàn Apollo 11 cũng cho biết, họ chỉ có thể cắm cột cờ xuống bề mặt Mặt trăng khoảng 15 - 23 cm. "Ngay bên dưới bề mặt giống bột là lớp đất đá rất chắc. Chúng tôi chỉ cắm được cột cờ xuống vài inch (1 inch bằng 2,54 cm). Nó trông không vững chắc lắm", Aldrin kể lại. Các chuyên gia cũng không chắc lá cờ vẫn đứng vững hay đã bị luồng khí động cơ thổi ngã khi tàu Apollo 11 cất cánh trở về Trái đất.

Năm 2012, những hình ảnh được chụp bởi tàu vũ trụ bay quanh quỹ đạo Mặt trăng (LRO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiết lộ có ít nhất 5 trong số 6 lá cờ vẫn đứng vững. Nhưng các nhà khoa học cho rằng, ánh sáng chói chang của Mặt Trời qua nhiều thập kỷ đã làm phai màu các biểu tượng trên lá cờ và chuyển dần nó sang màu trắng.


Tháng 12/1972, phi hành gia Eugene Cernan của nhiệm vụ Apollo 17 cắm lá cờ Mỹ trên Mặt trăng. (Ảnh: NASA).

Mỗi lá cờ Mỹ cắm trên Mặt trăng đều làm bằng sợi tơ nhân tạo, do công ty Annin Flagmakers sản xuất với chi phí khoảng 5,5 USD. Trên bề mặt Trái đất, những lá cờ tương tự sẽ phai màu dần dưới ánh nắng Mặt Trời. Nguyên nhân là do tia cực tím (UV) không bị bầu khí quyển Trái đất hấp thụ hoàn toàn, nên có khả năng phá vỡ các sợi vải và màu sắc của lá cờ.

Mặt trăng không có bầu khí quyển để hấp thụ ánh sáng Mặt Trời. Điều này có nghĩa những lá cờ phi hành gia cắm xuống Mặt trăng sẽ tiếp xúc với tia bức xạ Mặt Trời nhiều hơn trên Trái đất.

"Trong 40 năm, các lá cờ phải chịu đựng môi trường khắc nghiệt của Mặt trăng, liên tục trong 14 ngày nóng như thiêu đốt với nhiệt độ 100°C và 14 ngày lạnh cóng với nhiệt độ -150°C. Một vài lá cờ đang có dấu hiệu phân hủy", Paul Spudis, nhà khoa học nghiên cứu Mặt trăng, viết trên tạp chí Smithsonian Air & Space hồi tháng 7/2011.

Các lá cờ trên Mặt trăng có thể đã trở nên giòn và phân rã theo thời gian. Một mối đe dọa khác đối với chúng là những thiên thạch dội xuống Mặt trăng, nơi không có khí quyển dày để bảo vệ như Trái đất.

Cập nhật: 25/07/2024 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video