Sơn Victalastic chống thấm hiệu quả

Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đã nghiên cứu và sản xuất được loại sơn chống thấm mang tên Polyme - Victalastic. Mới có mặt trên thị trường, nhưng sản phẩm được đánh giá là có chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh.

Sản phẩm sơn chống thấm xi-măng Polyme - Victalastic sau khi phủ lên các bề mặt cần chống thấm sẽ tạo ra một lớp màng kín có tác dụng ngăn cản sự thẩm thấu của nước. Sơn Victalastic chủ yếu được sử dụng để chống thấm các bề mặt bên trong, bên ngoài của các tầng hầm, bể nước sinh hoạt, bể nước thải, mái bằng, mái dốc ban công, tường ngoài nhà dân dụng, khu vệ sinh và bếp...

Đặc điểm cơ bản của sơn chống thấm Victalastic là hệ hai thành phần, gồm chất lỏng polyme và chất bột trộn sẵn, được sản xuất trên cơ sở các polyme tổng hợp nhập ngoại, ximăng và các thành phần vật liệu chọn lọc khác. Sơn Victalastic có khả năng liên kết rất tốt với hầu hết các sản phẩm xây dựng, có khả năng bám dính tốt trên bề mặt ẩm (không đọng nước), giúp cho việc thi công dễ dàng và nhanh chóng.

Sau khi khô, Victalastic tạo thành màng kín nhưng có tính dẻo nên có khả năng chống thấm các vết nứt rộng đến 0,2 mm. Kết quả thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm môi trường cho thấy, sau khi tạo thành màng, Victalastic rất bền vững, không tạo ra các thành phần có hại cho nước ăn. Vì vậy, Victalastic có thể sử dụng chống thấm tốt cho các bể chứa nước ăn.

Theo các chuyên gia Phòng bê-tông, Viện khoa học công nghệ xây dựng, để sản phẩm sơn chống thấm Victalastic phát huy được hiệu quả tốt nhất thì khâu chuẩn bị trước khi thi công là đặc biệt quan trọng. Theo đó, bề mặt phải được vệ sinh sạch dầu mỡ, vữa ximăng, bụi bẩn, đồng thời trước khi quét Victalastic phải làm ẩm bề mặt đến bão hòa bằng nước sạch. Sau đó sử dụng máy khuấy điện tốc độ thấp (600 vòng/phút) có cánh hình mái chèo để khuấy đều hỗn hợp. Ban đầu cho khoảng 2/3 thành phần chất lỏng màu trắng sữa vào một thùng sạch, bật máy khuấy cho chạy, thêm từ từ thành phần chất bột vào để tránh vón cục. Khuấy trộn ít nhất 3 phút sao cho hỗn hợp đạt được độ đồng nhất.

Quá trình thực hiện quét sơn phải bảo đảm vùng thi công không có ánh nắng mặt trời và gió tiếp xúc trực tiếp với Victalastic vừa phủ nhằm ngăn cản sự khô nhanh của lớp màng Victalastic. Đối với mặt phẳng thẳng đứng, tổng chiều dày màng Victalastic nên đạt 1-2 mm, đối với mặt phẳng ngang, tổng chiều dày nên đạt 1-3 mm.

Ngoài ra, để tối ưu hóa khả năng chống thấm của sản phẩm, với độ dày màng chống thấm trên, nên quét ít nhất 2 lần, lần sau cách lần trước khoảng 10-12 giờ, và phải sử dụng hết sơn Victalastic trong vòng 90 phút kể từ lúc trộn hai thành phần với nhau.

Sản phẩm sơn chống thấm xi-măng Polyme - Victalastic đã góp mặt tại một số công trình xây dựng ở Việt Nam và nhanh chóng chiếm được sự hài lòng của các đơn vị chủ đầu tư. Đó là công trình tầng hầm, khu vệ sinh tòa nhà Công ty Vimeco - Vinaconex, chống thấm tầng hầm, khu vệ sinh tòa nhà trung tâm Hội nghị quốc gia (35 Hùng Vương) và Trung tâm giao dịch điện tử và phần mềm Hà Nội...

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video