Khi khoảng 100 cá voi đi lạc vào vùng nước cạn của phá Loza thuộc Madagascar vào tháng 5 và 6/2008, các nhà khoa học đã nghi ngờ sóng định vị dưới nước đóng vai trò nào đó trong vụ này.
Một nhóm các nhà khoa học độc lập mới đây đã xác nhận sự liện hệ giữa sóng định vị dưới nước, do tập đoàn Exxon Mobil sử dụng vẽ bản đồ thềm biển để kiếm dầu, với cái chết của ¾ số cá voi đầu dưa đi lạc.
Hơn 100 cá voi bị mắc cạn tại Madagascar vào năm 2008 - (Ảnh: IFAW)
Khi động vật biển đi vào những khu vực mà chúng thường không lui tới, chẳng hạn như các vùng nước cạn, đó là hành động mắc cạn, dù chết hay sống.
Đây không phải là cuộc nghiên cứu đầu tiên xác nhận sự liên hệ giữa sóng định vị với tình trạng cá voi mắc cạn.
Khi khoảng 150 cá voi đầu dưa bị dạt vào vịnh Hanalei tại đảo Kaua'i ở Hawaii vào năm 2004, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ đã kết nối sự kiện này với sóng định vị tàu ngầm của Hải quân Mỹ.
Trung tâm Khoa học Ngư nghiệp Tây Nam của NOAA ở Pacific Grove, California, cho hay vẫn chưa rõ chính xác lý do khiến cá voi thay đổi hành vi, nhưng chuyên gia Robert Brownel của tổ chức này giả định rằng âm thanh của sóng định vị “dựng lên bức tường âm thanh, khiến chúng muốn trốn chạy”, theo CBS News.
Những người khác lại đổ lỗi cho chu kỳ mặt trăng gây nên tình trạng mắc cạn trên, dựa trên 21 sự kiện tương tự, theo AFP.
Tuy nhiên, với kết luận mới trong vụ Madagascar, tác động của con người rõ ràng đã ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của động vật biển.