Trong vòng 150 năm qua, một sinh vật thường hiện diện bên cạnh con người đã lặng lẽ phát triển hộp sọ và bộ não lớn hơn một cách khó hiểu. Có vẻ chúng đang tiến hóa để có một trí thông tinh vượt trội hơn.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Evolution là một cú sốc đối với khoa học vì đi ngược lại lý thuyết tiến hóa quen thuộc.
Hình ảnh chụp CT họp sọ của một loài chó ở Hungary - (Ảnh: Kálmán Czeibert).
Thông thường, quá trình thuần hóa của con người luôn khiến các loài động vật quanh chúng ta trở nên kém thông minh hơn, thu nhỏ đáng kể kích thước não bộ.
Những phần bị thu nhỏ điều khiển những chức năng như lựa chọn bạn tình, săn mồi, ăn thịt... Điều đó phần nào giúp chúng trở nên "thuần" hơn, thích nghi với lối sống khác theo ý muốn của con người.
Thế nhưng dường như loài chó đang bắt đầu tiến hóa ngược lại: Trong vòng 150 năm qua, hộp sọ và cả bộ não bên trong của những con chó nhà đang lớn lên rõ rệt, theo nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà sinh vật tiến hóa Niclas Kolm từ Đại học Stockholms (Thụy Điển).
"Các giống chó khác nhau sống ở các mức độ phức tạp xã hội khác nhau và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi dung lượng não lớn hơn" - tiến sĩ Kolm đưa ra giả thuyết, đồng thời cho rằng các nỗ lực lai tạo của con người cũng góp phần.
Tuy nhiên kết quả nghiên cứu chỉ ra gene của chúng mới là yếu tố then chốt, bởi sự lớn lên của não bộ không chỉ riêng biệt trong một vài nhóm chó nhất định, mà đang xuất hiện ở loài chó nói chung, sống trong các môi trường khác nhau. Có lẽ chúng đang thực sự tiến hóa, nhưng điều đó cũng chưa thể được chứng minh cụ thể.
Theo Science Alert, một số chuyên gia khác vẫn kiên trì với giả thuyết rằng môi trường xã hội mà chúng ta đã dẫn dắt chó nhà vào - vốn được đối xử đặc biệt hơn các loài vật nuôi khác - đã góp phần vào điều này.
Câu trả lời cuối cùng cho phát hiện vẫn còn nằm trong vùng bí ẩn, tuy nhiên điều có thể khẳng định rằng chúng đang dần thu hẹp khoảng cách với loài sói - từng được tạo ra bởi quá trình thuần hóa ban đầu, khiến kích thước não của sói luôn lớn hơn chó 24%.