Sóng thần từ núi lửa Anak Krakatoa có thể cao tới 150 mét

Theo South China Morning Post, hơn 400 người đã thiệt sau khi cơn sóng thần ập vào các hòn đảo xung quanh núi lửa Anak Krakatoa. Cơn sóng được tạo ra sau khi hoạt động của núi lửa dẫn tới việc một mảng địa chất lớn ở thành núi sạt lở và rơi xuống đáy biển.

Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Tokyo và Đại học Brunel ở London đã nghiên cứu dữ liệu mực nước biển từ 5 vị trí xung quanh núi lửa Anak Krakatoa và sau đó sử dụng những thông tin này để giả lập mô hình tốc độ và hướng đi của cơn sóng thần, từ khi mảng địa chất lớn đổ sập cho tới khi cơn sóng ập vào đất liền.

Nghiên cứu được đăng trên tập chí khoa học Ocean Engineering và nhận định rằng các mảnh vỡ từ núi lửa sau khi rơi xuống biển đã tạo cơn sóng với độ cao ban đầu từ 100 đến 150 mét so với bề mặt đại dương.


Cơn sóng thần cách đây một năm xảy ra do sự phun trào của núi lửa Anak Krakatoa đã khiến hơn 400 người Indonesia thiệt mạng. (Ảnh: AP.)

Tuy nhiên, cơn sóng nhanh chóng chìm xuống vì trọng lực của Trái đất, và cũng bởi vì khi mảnh địa chất lớn chạm xuống đáy biển thì động lực tạo ra cơn sóng cũng không còn.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học phát hiện cơn sóng vẫn cao tới 80 mét khi nó ập vào một hòn đảo không có người ở cách núi lửa Anak Krakatoa vài km về phía tây.

"May mắn là không có ai sống trên hòn đảo đó", tiến sĩ Mohammad Heidarzadeh, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhận xét.

"Nếu như có một cộng đồng sinh sống gần ngọn núi lửa trong bán kính 5km, cơn sóng thần sẽ đạt độ cao từ 50-70 mét khi tới đó", ông Heidarzadeh cho biết.

Khi cơn sóng ập vào đảo Sumatra và đảo Java khoảng 1 giờ sau đó, độ cao của nó chỉ còn trong khoả từ 5-13 mét. Nhưng như vậy đã là đủ để gây ra thiệt hại nghiêm trọng, với 437 người chết và 14.059 người bị thương.

Mặc dù đây là vụ phun trào núi lửa khiến nhiều người thiệt mạng nhất trong thế kỷ 21, độ lớn của nó vẫn không là gì so với lần núi lửa Krakatoa phun trào vào tháng 8 năm 1883.

Đó được coi là vụ phun trào khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, với vụ nổ lớn nhất có sức mạnh lên tới 200 kiloton - tương đương 13.000 lần sức mạnh quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima. Tiếng nổ này có thể nghe được từ Australia, cách đó 3.600 km.

Tiến sĩ Heidarzadeh và các đồng nghiệp của ông đang cộng tác với chính phủ Indonesia để lập bản đồ đáy biển ở các khu vực xung quanh núi lửa, và phát triển một kế hoạch chống chịu sóng thần mới từ việc xác định vị trí của các đứt gãy địa chấn và rủi ro của chúng.

Nghiên cứu cũng sẽ xác định các khu vực dân cư có nguy cơ cao nhất, đề xuất các biện pháp đối phó và đưa ra khuyến nghị về cách cải thiện nhận thức cộng đồng về các biện pháp có thể thực hiện khi sắp có sóng thần.

Cập nhật: 23/12/2019 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video