SpaceX bỏ dùng "đũa gắp" tầng đẩy tên lửa Starship

Trong lần phóng thử nghiệm thứ 6 sáng nay, tên lửa Starship cất cánh thành công nhưng SpaceX hủy việc dùng "đũa gắp", tầng đẩy đáp xuống biển.


Hệ thống tên lửa Starship của SpaceX cất cánh tại Texas ngày 20/11. (Ảnh: SpaceX)

16h ngày 19/11 (giờ địa phương) tức 5h ngày 20/11 (giờ Hà Nội), hệ thống tên lửa Starship cất cánh từ bệ phóng tại cơ sở Starbase của SpaceX ở Boca Chica, Texas. 33 động cơ Raptor ở tầng đẩy Super Heavy khai hỏa, đưa tên lửa bay lên không gian.

Khoảng 3 phút sau khi phóng, tầng đẩy Super Heavy và tầng trên của Starship chia tách thành công. Tuy nhiên, SpaceX quyết định không sử dụng tháp phóng và đũa để bắt lấy tầng đẩy trở về như trong chuyến thử nghiệm thứ 5 hồi tháng 10. Thay vào đó, tầng đẩy hạ cánh nhẹ nhàng xuống Vịnh Mexico 7 phút sau khi cất cánh.

Công ty chưa đưa ra lý do cụ thể cho quyết định hủy bỏ sử dụng đũa, nhưng cho biết, cần nhiều yếu tố diễn ra đúng hướng để tiến hành phương pháp này.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cùng Elon Musk, CEO của SpaceX, theo dõi trực tiếp cuộc thử nghiệm, cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa hai bên. Tuy nhiên, ông Trump đã không có cơ hội chứng kiến tầng đẩy được giữ lại trong cánh tay đũa của tháp phóng - một kỳ tích kỹ thuật diễn ra trong thử nghiệm tháng trước và là điều mà ông ca ngợi trong bài phát biểu chiến thắng bầu cử của mình.


Tầng đẩy Starship hạ cánh xuống Vịnh Mexico. (Video: AFP/SpaceX).

Tầng trên của tên lửa Starship bắt đầu lao trở lại khí quyển Trái Đất khoảng 40 phút sau khi phóng, trải qua giai đoạn nóng lên cực độ. SpaceX chủ động đưa Starship vào chế độ hồi quyển khắc nghiệt hơn, loại bỏ hơn 20.000 miếng chắn nhiệt để kiểm tra phương tiện này trong môi trường nhiệt và áp suất cao.

65 phút sau khi phóng, tầng trên Starship hạ cánh an toàn xuống Ấn Độ Dương, vẫn nguyên vẹn dù đường hạ cánh không thuận lợi. "Hóa ra phương tiện này có khả năng lớn hơn những gì chúng tôi tính toán và dự đoán. Đó là lý do tại sao chúng tôi thử nghiệm như vậy", kỹ sư Kate Tice của SpaceX cho biết.

Trước đó, SpaceX đã cân nhắc lịch phóng sao cho quá trình tầng trên Starship hạ cánh xuống Ấn Độ Dương được ghi hình dưới ánh sáng ban ngày, đảm bảo chi tiết tốt hơn. Trong những chuyến thử nghiệm trước, tầng này hạ cánh vào ban đêm nên cảnh quay không mang lại cho đội ngũ kỹ sư nhiều thông tin như cảnh quay ban ngày.

Starship là hệ thống phóng đang dần chứng minh tham vọng đưa con người tới sao Hỏa lần đầu tiên của giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk. Đây là tên lửa cao nhất (120m) và mạnh nhất từng được chế tạo, có khả năng tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn khi phóng.

Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 20/4/2023, ba trong 33 động cơ của tầng đẩy không thể khai hỏa. Tên lửa sau đó mất kiểm soát và tự hủy.

Chuyến bay thứ hai vào ngày 18/11/2023 tiến xa hơn, đạt đủ độ cao để tầng đẩy và tầng trên tách ra theo kế hoạch. Tầng đẩy nổ tung trước khi tiếp đất và tầng trên tự hủy, dù hệ thống tên lửa đã thành công chạm tới không gian.

Lần thử nghiệm thứ ba vào ngày 14/3 năm nay thành công một phần khi tầng trên một lần nữa chạm tới không gian, nhưng không thể trở về mặt đất nguyên vẹn.

Trong chuyến bay vào ngày 6/6, tầng trên đạt độ cao hơn 200 km và di chuyển với tốc độ hơn 27.000 km/h. Cả tầng đẩy lẫn tầng trên đều hạ cánh nhẹ nhàng xuống biển.

Chuyến bay thứ 5 ngày 13/10 là thử nghiệm tham vọng nhất tính đến nay, với tầng tên lửa đẩy Super Heavy quay trở lại bệ phóng và được tháp phóng Mechazilla bắt giữ an toàn bằng "đũa". Trong khi đó, tầng trên Starship hạ cánh xuống Ấn Độ Dương.

Cập nhật: 20/11/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video