Một nhóm nhà nghiên cứu phát hiện 70 - 90% số loài cá mập biến mất đầu thế Trung Tân thông qua phân loại hóa thạch răng bì.
Khoảng 90% cá mập biến mất khỏi các đại dương trong chưa đầy 100.000 năm, nhưng các nhà nghiên cứu chưa biết lý do và không rõ chúng chết hàng loạt trong một ngày, vài tuần, nhiều năm hay hàng nghìn năm. Sự kiện tuyệt chủng trên làm thay đổi đáng kể môi trường biển cổ đại. Cá mập không bao giờ phục hồi hoàn toàn từ sự kiện chết hàng loạt, theo nghiên cứu công bố hôm 3/6 trên tạp chí Science.
Hóa thạch răng bì của các loại cá mập khác nhau. (Ảnh: Leah Rubin).
"Cá mập đã tồn tại khoảng 400 triệu năm. Chúng đã trải qua nhiều sự kiện tuyệt chủng, một số xóa sổ hầu hết sự sống", đồng tác giả nghiên cứu Elizabeth Sibert, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Viện nghiên cứu sinh quyển thuộc Đại học Yale, cho biết. Tuy nhiên, ở đầu thế Trung Tân, điều gì đó đã xảy ra khiến phần lớn nhóm động vật này biến mất khỏi bề mặt Trái Đất.
Câu chuyện được ẩn giấu bên trong răng bì hóa thạch, cấu trúc giống hình chiếc răng chồng lên nhau ở da cá mập, chôn vùi trong lớp trầm tích ở đáy biển. Giới nghiên cứu tìm thấy răng bì ở hầu hết các loại trầm tích, nhưng chúng quá nhỏ và tương đối hiếm so với một số loại hóa thạch vi mô khác. Trên thực tế, dù một số nhà khoa học nghiên cứu răng bì vào thập niên 1970 và 1980, rất ít người kiểm tra loại hóa thạch này từ sau đó.
Răng bì nằm sâu bên trong lõi trầm tích, hoặc trầm tích chồng chất ở đáy biển qua hàng triệu năm. Trầm tích càng sâu, niên đại càng lớn, một số lõi trầm tích tồn tại từ 300 triệu năm trước. Lõi trầm tích cho phép các nhà nghiên cứu tạo ra khung thời gian.
Trước đây, Sibert và một nhóm nhà nghiên cứu khác phát hiện số lượng răng bì hóa thạch của cá mập trong lõi trầm tích giảm mạnh cách đây 19 triệu năm, nhưng họ không rõ sự sụt giảm này có đại diện cho sự kiện tuyệt chủng hay không. Trong nghiên cứu mới, Sibert và đồng tác giả Leah Rubin phân tích lõi trầm tích lấy nhiều năm trước trong dự án khoan biển sâu ở hai địa điểm khác nhau là Bắc Thái Bình Dương và Nam Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, chỉ khu vực Nam Thái Bình Dương có dữ liệu từ 19 triệu năm trước. Lõi trầm tích còn lại có dữ liệu từ cách đây 22 - 35 triệu năm và từ 11 - 12 triệu năm trước, nhưng không có dữ liệu của giai đoạn ở giữa. Sau khi lấy vảy hóa thạch từ lõi trầm tích, họ kiểm tra độ dồi dào và phong phú của chúng.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy số lượng hóa thạch cá mập giảm 90% vào khoảng 19 triệu năm trước. Nhưng để xác định đây là sự kiện tuyệt chủng, họ cần tìm hiểu độ đa dạng, tức số lượng các loài cá mập khác nhau, có sụt giảm hay không. Sibert và cộng sự phân loại 798 răng bì từ Nam Thái Bình Dương và 465 răng bì từ Bắc Thái Bình Dương theo 80 hình dáng và cấu trúc khác nhau. Họ nhận thấy vào khoảng thời gian đó, 70% loại răng bì biến mất. Các nhà nghiên cứu kết luận sự kiện tuyệt chủng này đã xóa sổ 70 - 90% số loài cá mập và 90% cá thể.