Ngành CNTT thế giới xôn xao về việc Intel cắt giảm hơn 10 nghìn nhân viên trên toàn cầu trong một chiến dịch đại cải tổ nhằm thoát ra khỏi giai đoạn rất khó khăn. Intel đang đối mặt với việc đánh mất thị trường vào tay AMD và lợi nhuận liên tục suy giảm.
Thậm chí sự cắt giảm "đau thương và khó khăn" - theo lời ông Otellini, GĐ điều hành của Intel - còn chưa đủ thỏa mãn trông đợi từ các nhà đầu tư về sự cải tổ mạnh mẽ với những thay đổi mang tính lâu dài và chiến lược hơn. Liệu sẽ có thay đổi gì trong ngành CNTT Việt Nam, khi Intel vẫn nổi tiếng như một thương hiệu độc chiếm toàn bộ thị trường bộ vi xử lý - thiết bị quan trọng nhất trong phần cứng máy tính?
Dường như ngành CNTT toàn cầu sẽ có những thay đổi lớn lao, vì từ rất lâu nay, nền tảng Wintel (bộ vi xử lý Intel và hệ điều hành Windows của Microsoft) đã là một chuẩn mực quen thuộc đến nhàm chán cho tất cả khách hàng. Thành công của AMD đến từ chính sách giá hợp lý và công nghệ ưu việt trong sản phẩm, đặc biệt là hai con chip Opteron và Athlon 64 được đánh giá cao. Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc kinh tế thị trường luôn ủng hộ cạnh tranh.
Các cửa hàng nhỏ đương nhiên không đủ khả năng phá bỏ thế độc quyền của Intel trên thị trường, nhưng ngay cả các công ty đang tự nhận mình là NSX máy tính VN cũng chỉ cung cấp những sản phẩm của Intel. Nếu mở các báo giá máy tính thương hiệu VN ra, khách hàng sẽ thấy một danh sách chi tiết thiết bị: nào là bo mạch chủ loại gì, của ai sản xuất; RAM loại gì, của ai sản xuất; đĩa cứng thế nào, ổ DVD ra sao... nhưng riêng bộ vi xử lý trung tâm - thiết bị quan trọng nhất của máy - luôn luôn là Intel! Trên tất cả các máy tính lắp ráp ở VN bao giờ cũng có logo màu xanh dương của Intel. Thực tế không thể nào phân biệt nổi một chiếc máy tính có thương hiệu VN khác biệt gì với một chiếc máy tự ráp hoặc là mua từ các cửa hàng nhỏ. Dân CNTT vẫn nửa đùa nửa thật với nhau rằng lắp máy tính là công nghệ 13 con ốc: 4 con gắn bo mạch chủ, 3 con gắn ổ DVD, 3 con gắn đĩa cứng, 3 con gắn các card ngoại vi (nếu có)! Người dùng chỉ cần mở hộp linh kiện, lấy tuốc-nơ-vít xiết đủ 13 con ốc để gắn chúng vào thùng máy, cắm các dây nối vào nhau, và thế là xong!
Hiện nay, các NSX máy tính trên thế giới không hề sản xuất PC theo kiểu VN đang làm. Với sản lượng hàng chục triệu chiếc, tất cả các dòng máy của họ đều được thiết kế tối ưu về cấu hình, chất lượng và giá cả. Các linh kiện không phải hàng chợ như máy tính VN. Lấy ví dụ như bo mạch chủ: ngoài những dòng sản phẩm làm riêng cho các thương hiệu máy tính lớn, NSX bo mạch chủ sẽ tung ra thị trường các dòng sản phẩm chạy theo nhu cầu của đám đông người dùng. Để dễ bán hàng thì chúng phải đáp ứng những yêu cầu rất đa dạng cho khách hàng lẻ. Và họ thường phải trả tiền cho rất nhiều tính năng không bao giờ được dùng đến. Tất nhiên, một sản phẩm lắp ghép từ rất nhiều thiết bị không được thiết kế đồng bộ sẽ khó có chất lượng ổn định. Đây cũng là nguyên nhân tại sao máy tính VN vẫn chưa bao giờ là sự lựa chọn đầu tiên của các khách hàng thực sự quan tâm đến chất lượng hệ thống CNTT.
Rất nhiều nguyên nhân làm cho thị trường máy tính hiện nay ở VN vẫn chiều theo một đại gia. Chỉ có khách hàng có thể thay đổi được xu hướng này, vì tất cả các nhà lắp ráp máy tính nội địa đang làm công việc mua bán thiết bị nhập khẩu, chứ chưa đưa được chút giá trị gia tăng nào vào sản phẩm. Thay vì chạy theo những tin tức về một thương hiệu lắp ráp máy tính VN nào đó mới ra đời, chúng ta nên tìm hiểu các máy tính mang bộ vi xử lý khác với Intel. Sự cạnh tranh giữa nhiều nhà cung cấp bộ vi xử lý sẽ đem lại chất lượng và giá cả tốt hơn cho người tiêu dùng VN!