Sự thật đau đớn đằng sau "vàng Ấn Độ" từng mê hoặc hội họa phương Tây suốt nhiều thế kỷ

Không như ngày nay đầy rẫy các loại màu vẽ, các họa sĩ trước thế kỷ 20 có rất ít sắc tố. Để có được tác phẩm như ý, họ phải bỏ rất nhiều công vào việc tìm màu.

Màu vàng: Từ đại diện của phản bội tới được đam mê đến phát cuồng

Nếu phương Đông cổ đại xem màu vàng là đại diện của hoàng gia thì phương Tây lại coi nó như biểu tượng của sự phản bội. Hầu hết các bức tranh vẽ Judas Iscariot, tông đồ phản Chúa của Thời kỳ Phục hưng (thế kỷ 15-17) đều lấy sắc vàng làm màu chủ đạo.

Trước và trong Thời kỳ Phục hưng, hội họa phương Tây chủ yếu quẩn quanh các chủ đề tôn giáo. Tuy nhiên kể từ khi bước sang thế kỷ 18, nó bắt đầu mở rộng. Những tên tuổi hội họa lừng lẫy ra đời, gạt phắt mục tiêu phục vụ nhà thờ sang một bên, thoải mái vung cọ vì đam mê riêng.


Trước thế kỷ 18, màu vàng bị đóng khung trong quan niệm "sắc màu phản bội".

Bước sang thập niên 1860, nhờ sự xuất hiện của các danh họa như Claude Monet (Pháp), JMW Turner (Anh), trường phái ấn tượng ra đời, phá vỡ mọi khuôn khổ hội họa sẵn có. Cũng nhờ có họ, màu vàng được đánh tan định kiến, trở nên chói lòa như bình minh và được giới cầm cọ đặc biệt yêu thích.

Bắt đầu bằng "Thiên sứ gọi Mặt trời lên" (The Angel Standing in the Sun) của Turner, màu vàng tỏa rạng trong vô số các kiệt tác hội họa thế kỷ 19. Nó lại ám ảnh, đau đớn trong Đêm đầy sao (The Starry Night) của danh họa vĩ đại Vincent van Gogh (Hà Lan), vừa bùng nổ sự tinh tế trong Tuổi thơ ngây (The Age of Innocence) của Joshua Reynolds (Anh) lẫn Cẩm chướng, Lưu ly, Lưu ly, Hoa hồng (Carnation, Lily, Lily, Rose) của John Carner Sargent (Mỹ).


"Thiên sứ gọi Mặt trời lên" của J.M.W Turner.


"Đêm đầy sao" của Vincent van Gogh.


"Cẩm chướng, Lưu ly, Lưu ly, Hoa hồng" của John Carner Sargent.


"Tuổi ngây thơ" của Joshua Reynolds.

"Vàng Ấn Độ" – Cơn sốt của thời đại

Trong thế giới tự nhiên, vàng là màu sắc quen thuộc. Các nghệ sĩ của thời cổ đại thường lấy hoàng thổ (đất sét vàng) để làm màu vẽ. Tuy nhiên, màu vàng từ đất có chút đơn điệu và tối. Vậy nên khi trường phái ấn tượng chào đời, người ta khát khao một màu vàng với toàn bộ các gam, từ tươi sáng đến lộng lẫy, rạo rực nhất.

Thế rồi đột ngột, giữa những chất màu và thuốc nhuộm tổng hợp nổi lên một báu vật. Đó là những khối, thỏi, cục màu vàng tỏa sáng rực rỡ. Người ta gọi nó là "vàng Ấn Độ".

Lý do thì cũng đơn giản thôi, bởi vì màu vàng này đến từ Ấn Độ. Có người cho rằng, chúng là kết tinh nước tiểu của rắn. Có người lại bảo, chúng được làm từ mật lạc đà.


Màu vàng của Ấn Độ cực kỳ nổi tiếng...

Ai nấy điên cuồng tìm mua "vàng Ấn Độ". Không như màu vàng của đất sét vừa tối vừa khó chỉnh gam, "vàng Ấn Độ" đáp ứng mọi đòi hỏi của người họa sĩ. Chỉ cần linh hoạt một chút, họ có thể biến nó từ màu vàng chanh lung linh đến sắc cam nồng ấm.

Trong Thiên sứ gọi mặt trời lên của Turner, "vàng Ấn Độ" chói lọi hơn cả bình minh. Giữa Tuổi ngây thơ của Reynolds, nó lại hết sức dịu dàng. Tới tác phẩm của Sargent thì lại vô cùng ấm áp...

Kết tinh nước tiểu bò: Nỗi thống khổ của những con bò cả đời phải ăn lá xoài

Không cứ là đại danh họa hay người vẽ tranh nghiệp dư, phương Tây điên cuồng mài "vàng Ấn Độ", phết lên giấy, ván vẽ, bức tường. Họ không hay biết rằng, cái mà họ nâng niu trân quý bằng cả đôi tay lẫn linh hồn thực chất chỉ là… nước tiểu bò.

Tại Ấn Độ, nơi xuất phát của "vàng Ấn Độ" là Munger, mảnh đất thuộc bang Bihar. Để có được màu vàng vạn sắc, người ta ép lũ bò phải ăn lá xoài suốt cả đời.


Thực chất là nước tiểu của bò

Vốn dĩ, lá xoài không nằm trong thực đơn yêu thích của các loài thú ăn cỏ, vì trong lá có độc tố, ăn nhiều sẽ gây ngộ độc. Có điều lá xoài sau khi "kinh qua" hệ thống tiêu hóa của bò sẽ bị phân giải thành axit euxanthic mang sắc tố vàng. Càng ăn lá xoài lâu bao nhiêu, con bò càng ốm o, suy dinh dưỡng. Nhưng nước tiểu nó thải ra thì cực sáng tươi, đến mức lấp lánh.

Sau khi "thu hoạch" nước tiểu bò chuyên ăn lá xoài, người ta đem gạn lọc, đun sôi cho bay hết hơi nước, sấy khô, ép chặt thành khối. Ở Ấn Độ, những cục "cao" nước tiểu bò này được gọi là "piuri".

Phải mất những 25 năm để giải thoát cho bò

Mãi đến tận năm 1883, phương Tây mới biết "vàng Ấn Độ" chỉ là nước tiểu. Công đầu thuộc về TN Mukharji, một nhân viên thuộc Vườn thực vật Hoàng gia Kew. Vì nghe quá nhiều tin đồn không xác thực về nguồn gốc "vàng Ấn Độ", giám đốc của Vườn thực vật Hoàng gia Kew bèn cử Mukharji đến tận nơi xác minh.


Những con bò bị ép buộc phải ăn duy nhất một loại lá là lá xoài cực kỳ gày mòn, đau đớn, khổ sở.

Sau khi tận mắt chứng kiến quy trình tạo ra "vàng Ấn Độ", Mukharji lập tức viết báo cáo chi tiết, gửi đến Hội Nghệ thuật ở London (Anh). Ông nhấn mạnh những con bò bị ép buộc phải ăn duy nhất một loại lá là lá xoài cực kỳ gầy mòn, đau đớn, khổ sở.

Thế nhưng bất chấp sự thật đã khai mở, hội họa phương Tây vẫn không ngừng khát cầu "cao" nước tiểu bò. Phải mất thêm 25 năm nữa, người ta mới chịu buông bỏ.

Ngày nay, "vàng Ấn Độ" tất nhiên là không còn nữa. Song "tinh hoa" của bò ăn lá xoài thì vẫn đầy rẫy trên các bức họa bất tử với thời gian.

Cập nhật: 27/06/2019 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video