Lật lại hồ sơ khảo cổ, nhóm khoa học gia đã chứng minh Toumaï, hài cốt 7,2 triệu tuổi được tôn sùng và coi là ông tổ của nhân loại suốt 19 năm qua, hóa ra... không phải một con người.
Toumaï là hài cốt được phân loại là Sahelanthropus tchadensis, loài linh trưởng được một nghiên cứu quốc tế lớn năm 2001 kết luận là những sinh vật đầu tiên khai sinh ra tông Người (Hominin). Với đại tận 7,2 triệu năm, từ lúc đó Toumaï đã được giới khảo cổ trân trọng như vị tổ tiên sơ khai nhất của nhân loại, đã tiến hóa thành công và tách khỏi tổ tiên chung giữa con người và vượn cổ đại.
Hộp sọ của "ông tổ" Toumaï, "người" vừa được phát hiện là... một con vượn cái sau 19 năm lầm lẫn - (Ảnh: Didier Descouens).
Thế nhưng nghiên cứu mới đã lật lại vấn đề khi phân tích một phần xương đùi trái của "ông tổ" Toumaï. Theo tiến sĩ Roberto Macchiarelli từ Đại học Poitiers và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia (Pháp), phần xương đùi cho thấy Toumaï không hề đi thẳng đứng như nhóm nghiên cứu năm 2001 đã lập luận. Khi được đem so sánh với một sinh vật đi bằng 4 chân, thậm chí nó giống hệt.
Những chiếc răng của Toumaï khi được xem xét lại bằng các phương tiện hiện đại cũng cho thấy hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy nó là sinh vật thuộc tông Người, bài công bố trên tạp chí khoa học Journal of Human Evolution tiết lộ.
Tờ Live Science dẫn lại kết luận rõ ràng và "ngã ngửa" của nghiên cứu: Toumaï không hề là vị tổ tiên của con người chúng ta mà là một... con vượn cái cỡ nhỏ. Do là đại diện duy nhất của loài Sahelanthropus tchadensis, nên có thể khẳng định loài này không phải tổ tiên loài người, mà là tổ tiên loài... vượn.
Với kết quả này, chức danh tổ tiên lâu đời nhất của loài người tiếp tục được trao trả cho Lucy - "bà tổ" 3,2 triệu tuổi, là một vượn người phương Nam (Autralopithecus afarensis) được tìm thấy ở Đông Phi năm 1974.