Sự thật về nhạc cụ nguy hiểm nhất từng được chế tạo

Armonica thủy tinh, được coi là một phát minh đột phá trong âm nhạc của Benjamin Franklin, vì nó có khả năng tạo ra các nốt nhạc vô cùng sáng tạo và phong phú với 37 chiếc bát mỏng manh.


Armonica thủy tinh - nhạc cụ gồm 37 chiếc bát thủy tinh mỏng manh. (Ảnh: Ji-Elle/Wikimedia).

Là một thành viên trong nhóm lập quốc của Mỹ, chính trị gia kiêm nhà khoa học Benjamin Franklin (1706 - 1790) nổi tiếng với nhiều phát minh như lò Franklin, ống thông tiểu, cột thu lôi. Franklin cũng là nhạc sĩ tài ba, nên có lẽ không ngạc nhiên khi ông nghe thấy một âm thanh độc đáo trong buổi hòa nhạc năm 1761 và được truyền cảm hứng để phát minh một trong những sản phẩm thú vị nhất của mình - armonica thủy tinh.

Trong buổi hòa nhạc, Franklin đã xem một nhạc công trong dàn nhạc chơi bộ ly rượu điều chỉnh bằng nước. Sau đó, ông sử dụng 37 chiếc bát thủy tinh đánh dấu bằng những màu sắc khác nhau và lắp chúng vào một thiết bị xoay mà người chơi có thể vận hành bằng bàn đạp chân. Nhạc cụ mới dễ xử lý hơn và cho phép người chơi tạo ra tối đa 10 nốt nhạc cùng lúc.

Armonica thủy tinh được khá nhiều người sử dụng. Ví dụ, trong phần thứ 7 của tổ khúc The Carnival of the Animals, nhà soạn nhạc Camille Saint-Saëns đã nhờ tới nhạc cụ này để gợi lên cảm giác huyền bí dưới nước. Mozart từng soạn nhạc cho nhạc cụ này và ngay cả hoàng hậu Pháp Marie Antoinette cũng biết cách chơi armonica thủy tinh. Franklin không chỉ có chỗ đứng trong âm nhạc cổ điển mà còn được một số nghệ sĩ hiện đại sử dụng như Tom Waits, David Gilmour và Björk.


Nghệ sĩ William Zeitler biểu diễn với armonica thủy tinh. (Video: William Zeitler)

Tuy nhiên, âm thanh độc đáo khiến armonica thủy tinh bị một số người coi là "nhạc cụ nguy hiểm nhất thế giới". Vào thế kỷ 18, armonica thủy tinh không còn được ưa chuộng vì người ta lo ngại rằng nó có khả năng khiến người nghe phát điên. Thời điểm đó, nhà âm nhạc học người Đức Friedrich Rochlitz khuyên mọi người nên tránh chơi nhạc cụ này. "Armonica kích thích thần kinh quá mức, đẩy người chơi vào trạng thái trầm cảm dai dẳng, từ đó rơi vào tình trạng sầu muộn, u uất - một cách để tự hủy hoại dần dần", ông nói.

Một trong những người ủng hộ armonica thủy tinh từ sớm là Franz Anton Mesmer - người thực hành thuật thôi miên được cho là tiền thân của thuật thôi miên hiện đại. Mesmer phát huy tối đa lợi thế âm thanh của armonica thủy tinh để làm nền cho những màn trình diễn thôi miên của mình. Theo cuộc điều tra năm 1784 của một số nhà khoa học hàng đầu ở Pháp, bao gồm cả Franklin, âm nhạc mà Mesmer sử dụng chỉ giúp ông tạo ra bầu không khí khiến mọi người tin rằng các kỹ thuật của ông mang lại lợi ích cho họ, trong khi sự thật không phải vậy.

Tuy nhiên, việc tiến vào trạng thái thôi miên tạm thời nghe không giống với miêu tả về "sự tự hủy hoại dần dần" của Rochlitz. Vậy điều gì đã khiến mọi người sợ hãi trước armonica thủy tinh?

Các nhà âm nhạc học hiện đại tìm hiểu lý do tại sao giai điệu của armonica thủy tinh có thể gây mất phương hướng. Nhạc cụ này tạo ra âm thanh ở tần số xấp xỉ 1.000 - 4.000 Hertz. Ở tần số này, não người rất vất vả để xác định xem âm thanh phát ra từ đâu. Điều này có thể giải thích tại sao với một số người, việc nghe armonica thủy tinh có thể là một trải nghiệm khó chịu.

Các chuyên gia cho rằng còn một lý do thực tế hơn khiến mọi người ngừng chơi armonica thủy tinh trong suốt một khoảng thời gian. Cách biểu diễn âm nhạc thay đổi với những concert diễn ra ở địa điểm rộng lớn hơn và vấn đề về sự khuếch đại âm thanh phát sinh. Nghệ sĩ armonica thủy tinh William Zeitler giải thích, người ta có thể điều chỉnh đàn piano để khiến nó phát ra âm thanh lớn hơn, nhưng điều đó không hề dễ dàng với một nhạc cụ làm bằng những chiếc bát thủy tinh mỏng manh.

Cập nhật: 25/09/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video