Sức khỏe tim mạch, những điều có thể bạn chưa biết

Tim là nội tạng có sức hoạt động đáng nể - thực hiện 2.700 triệu nhịp đập trong cuộc đời trung bình 75 năm. Hiện nay, bệnh mạch vành là một trong những bệnh gây tử vong nhiều nhất, với 12 triệu người chết hằng năm trên thế giới.

Tại Việt Nam, bệnh mạch vành đứng hàng thứ tư trong số những bệnh gây tử vong nhiều nhất. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về sức khỏe tim mạch.

Tim có chức năng gì?

Mỗi phút, tim bơm tổng cộng 4,25 lít máu đi khắp cơ thể. Thực ra, tim có hai bộ phận bơm hoạt động cùng lúc. Phần bên trái bơm máu qua động mạch để mỗi tế bào trong cơ thể đều nhận được những thứ cần thiết (khí ôxy, đường glucose, nội tiết tố, khoáng chất, vitamin và các dưỡng chất khác) để tồn tại và tăng trưởng, đồng thời có thể loại bỏ chất thải, đặc biệt là carbon dioxide (CO2), với tần suất 70 lần/phút. Cùng lúc đó, phần bên phải bơm máu đến phổi – nơi CO2 bị đào thải và khí ôxy được hấp thu vào máu.

Tim có thể bị nhiễm khuẩn không?

Có. Dạng phổ biến nhất là viêm màng trong tim (viêm nội tâm mạc). Bệnh xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào nội mạc tim. Nam giới có nguy cơ nhiễm khuẩn cao gấp 2 lần nữ giới. Bệnh thường gặp ở tuổi trên 50 và có thể gây tử vong.

Những triệu chứng suy tim điển hình?

Có nhiều dấu hiệu và triệu chứng báo hiệu tim bị suy. Tắc nghẽn tuần hoàn máu dẫn đến phù nề cẳng chân, bàn chân hoặc vùng bụng. Triệu chứng khó thở có thể xảy ra khi gắng sức và thậm chí lúc nghỉ ngơi. Thức dậy với cảm giác khó thở cũng là dấu hiệu điển hình của chứng suy tim tiến triển. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như mệt, đau thắt ngực, chóng mặt và tăng cân.

Nhồi máu cơ tim có thể tái phát không?

Có. Những ai từng bị nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc tai biến mạch máu não có nhiều khả năng bị lại trong tương lai.

Suy tim có di truyền không?

Có. Ước tính các yếu tố di truyền có thể chiếm đến 50% nguyên nhân gây suy tim.

Uống rượu điều độ giúp bảo vệ tim như thế nào?

Nghiên cứu chứng minh 50% tác dụng bảo vệ tim của rượu là do khả năng tăng hàm lượng cholesterol tốt (HDL). Uống rượu vừa phải có thể góp phần làm máu ít kết dính, giúp quá trình tuần hoàn trơn tru hơn, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. Những lợi ích này có thể được tối đa hóa khi uống rượu trong bữa ăn.

Nguy cơ bệnh tim có tăng theo tuổi tác?

Bệnh mạch vành là dạng bệnh thoái hóa và thường xuất hiện ở tuổi già. Khi lớn tuổi, động mạch giảm dần độ đàn hồi nên nguy cơ cao huyết áp và bệnh tim càng tăng. Nhồi máu cơ tim là bệnh của người trên 65 tuổi.

Cai thuốc giảm được bao nhiêu nguy cơ bệnh?

Bỏ thuốc lá giúp giảm gần 40% tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành, dạng bệnh tim mạch phổ biến nhất.

Sau 55 tuổi, phụ nữ có huyết áp cao hơn nam giới?

Huyết áp tăng theo tuổi tác. Mặc dù ở tuổi 30 và đầu 40, cánh mày râu có nguy cơ bị cao huyết áp cao hơn nữ giới, nhưng đến giai đoạn 44-55 tuổi nguy cơ trở nên ngang bằng với hai giới. Sau 55 tuổi, chị em có nguy cơ cao huyết áp nhiều hơn.

Huyết áp có thay đổi khi cho máu?

Khi cho 0,5 lít máu, huyết áp giảm và có thể khiến bạn chóng mặt. Hệ tim mạch bù đắp sự thiếu hụt máu bằng cách tăng nhịp tim và kế đó co thắt mạch máu trước khi bình thường hóa huyết áp. Quá trình này có thể diễn ra trong vài phút, và đó là lý do tại sao bạn cần nghỉ ngơi sau khi cho máu.

Béo phì lúc nhỏ có làm tăng nguy cơ bệnh tim?

Có. Vóc dáng quá khổ lúc bé là dấu hiệu dự báo rất đáng tin cậy của bệnh tim sau này.

Viagra có tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim?

Khi thuốc Viagra mới được lưu hành, nhiều báo cáo ghi nhận tình trạng nhồi máu cơ tim và đột tử. Các nghiên cứu sau đó cho rằng người bị bệnh mạch vành ổn định có thể sử dụng thuốc mà không làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc tử vong.

Chỉ số huyết áp bao nhiêu là chấp nhận được?

Nhiều thập niên qua, chỉ số 140/90 được xem là ngưỡng chấp nhận được. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người có huyết áp trung bình 130/80 ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên chỉ số này được xem là tốt nhất.

Có phải dùng thuốc trị cao huyết áp suốt đời?

Phải. Hầu hết thuốc trị cao huyết áp phát huy tác dụng trong vòng 24 giờ, sau đó sẽ được bài tiết khỏi cơ thể. Cao huyết áp là bệnh mãn tính nên phải điều trị suốt đời.

Uống cà phê có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

Cà phê chứa chất kích thích caffeine làm tăng nhịp tim. Sau khi uống, chất caffeine có thể làm tim bạn đập nhanh. Caffeine trong thức uống khác như trà, sô-cô-la cũng có tác động tương tự. Nếu tim bạn khỏe mạnh thì không sao, nhưng nếu bạn từng bị nhồi máu cơ tim hoặc một dạng bệnh tim mạch khác nên hạn chế thức uống có caffeine.

Theo Báo Cần Thơ (Daily Mail)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video