Tác dụng phụ không ai muốn gặp của chế độ ăn Keto thần thánh

Chế độ ăn Keto cho phép bạn ăn thịt, cá mà chẳng phải kiêng dè gì. Nhưng đổi lại, bạn sẽ nhận được một tác dụng phụ có phần rất khó chịu.

Bạn đã biết về chế độ ăn "Keto" - hay "Ketogenic" - chưa? Đây là một trong những chế độ ăn được tìm kiếm nhiều nhất trên Google vào năm 2016, và thậm chí vẫn đạt hiệu quả lan tỏa rất lớn trong năm 2017 và đầu 2018.

Nhưng Keto là gì? Với những ai chưa biết, thì có lẽ cái tên "low carb" sẽ quen thuộc hơn, bởi vì bản chất của chế độ Keto chính là chế độ ăn "low carb - high fat" (ít tinh bột, nhiều chất béo).

Việc loại bỏ gần như toàn bộ tinh bột ra khỏi khẩu phần ăn được cho là có thể giúp cơ chế chuyển hóa dưỡng chất được chuyển đổi. Sau một thời gian, cơ thể sẽ không còn phụ thuộc vào carbohydrate nữa, mà chuyển sang dùng chất béo để tạo ra năng lượng.

Quá trình ấy được gọi là ketosis - chính là nguồn gốc của cái tên Keto.

Tức là về cơ bản, lượng mỡ thừa của bạn bị đốt cháy, không những giảm được cân mà trông còn khỏe mạnh hơn. Và đặc biệt, chế độ ăn này không bắt bạn phải nhịn, thậm chí còn được ăn nhiều thịt cá. Có lẽ, đây là điểm khiến Keto trở nên cực kỳ phổ biến.


Làm gì có chế độ ăn nào cho phép bạn nhai cái này ngoài Keto?

Dù vậy, Keto vẫn tạo ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học, vì tác dụng thực sự của nó không rõ ràng. Thứ rõ ràng nhất thì lại là những tác dụng phụ không ai mong muốn, và một trong số đó là... mọc mụn.

Theo Ross C. Radusky - chuyên gia dinh dưỡng và da liễu tại New York, thì quá trình ketosis tạo ra áp lực rất lớn cho cơ thể. Khi phải chuyển sang sử dụng một nguyên liệu khác làm năng lượng, mọi chức năng trong cơ thể bạn sẽ bị xáo trộn.

"Tác dụng phụ phổ biến nhất là hôi miệng, táo bón. Nhưng quan trọng hơn là làn da của bạn sẽ xấu tệ hại" - Radusky chia sẻ.

"Da là thứ khá nhạy cảm. Khi bạn đảo ngược chế độ ăn với một lượng lớn chất béo và protein, nó sẽ sưng lên".


Mụn mọc bùng nổ, da xấu tệ hại là tác dụng phụ không thể chối cãi của Keto.

Trong một nghiên cứu vào năm 2015, các chuyên gia cũng xác nhận rằng, chế độ ăn giàu chất béo sẽ kích thích sản sinh dầu trên da, khiến rủi ro mọc mụn tăng lên. Càng ăn nhiều chất béo và protein, tỉ lệ viêm nhiễm càng lớn. Đó là chưa tính đến các bệnh da liễu khủng khiếp hơn như chứng vảy nến, hoặc bệnh chàm.

"Da có thể bị viêm và rối loạn chức năng vì chế độ Keto" - Joshua Zeichner, giám đốc viện da liễu Mount Sinai (New York) chia sẻ.

Hơn nữa, ketosis còn gây mất nước nghiêm trọng, khiến các tế bào teo nhỏ đi, để lại cho bạn một làn da khô, dễ kích ứng.

Những tiềm ẩn nguy hại của chế độ ăn Keto

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường

Khi thực hiện chế độ ăn Keto, nhiều người thường gặp sai lầm như ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo, protein không lành mạnh (bơ, thịt xông khói, đồ chế biến sẵn...).

Chế độ ăn giàu chất béo như trên dễ làm tăng mức cholesterol và nguy cơ bị tiểu đường. Cách ăn uống không lành mạnh này trở thành "cơn ác mộng với các bác sĩ tim mạch".

Nguy cơ tử vong cho người bị tiểu đường

Chuyên gia dinh dưỡng Kristen Kizer (Bệnh viện Houston Methodist, Texas, Mỹ) cảnh báo nếu bị tiểu đường type I hoặc II, bạn không nên theo chế độ ăn kiêng Keto, trừ khi được sự cho phép và giám sát của bác sĩ. Theo bà Kizer, Keto hữu ích với nhóm có vấn đề về tăng đường huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân phải đặc biệt lưu ý và kiểm tra đường huyết nhiều lần trong ngày.

Bởi nhóm người bị tiểu đường có thể gặp tình trạng nguy hiểm là nhiễm toan ceton. Nó xảy ra khi axit được tạo ra trong quá trình đốt cháy chất béo nhiều. Cuối cùng, máu có tính axit cao, gây hại cho thận, gan và não.


Keto tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho thận, gan... (Ảnh: Freepik).

Nếu không được điều trị, nhiễm toan ceton có thể gây tử vong. Các triệu chứng của nhiễm toan ceton bao gồm khô miệng, đi tiểu thường xuyên, buồn nôn, hơi thở hôi và khó hô hấp. Nếu bạn gặp phải những điều này khi đang theo chế độ ăn Keto, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Gây hại cho thận và tăng nguy cơ bị gan nhiễm mỡ

Nhiều người lầm tưởng gan nhiễm mỡ chỉ xảy ra ở nhóm béo phì hoặc uống rượu thường xuyên. Tuy nhiên, ăn kiêng không hợp lý có thể gây tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Đây là hiện tượng chất béo tích tụ trong gan quá nồng độ cho phép. Bệnh có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, ung thư...

Khi ăn Keto, lượng chất béo hấp thụ vào cơ thể lớn, nếu không được đào thải và chuyển hóa sẽ dẫn đến tích tụ trong gan, gây hiện tượng trên.

Nghiên cứu gần đây từ Đại học Harvard, Mỹ, cũng chỉ ra ảnh hưởng của Keto tới thận. Thận giúp chuyển hóa protein. Tương tự gan, Keto khiến thận quá tải. Nếu theo chế độ trong thời gian dài, nó gây áp lực và dẫn tới sỏi thận. Do đó, nhóm người mắc bệnh mạn tính, thận cần đặc biệt cẩn trọng.

Cúm Keto, tiêu chảy

Chuyên gia dinh dưỡng Kristen Kizer (Bệnh viện Houston Methodist, Texas, Mỹ) cho biết đây là tình trạng nhiều người theo chế độ Keto đều sẽ gặp phải. "Một số trường hợp bị ốm, mệt mỏi. Số khác nôn, suy tiêu hóa thậm chí hôn mê", bà Kizer nói. Tình trạng này sẽ chấm dứt sau vài ngày.

Bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Josh Axe tại Mỹ cho hay ước tính khoảng 25% người theo chế độ Keto sẽ gặp các triệu chứng trên. Trong đó, mệt mỏi là tình trạng thường gặp nhất. Nguyên nhân là cơ thể hết đường để đốt cháy, dẫn đến tình trạng nó sử dụng chất béo. Quá trình chuyển đổi bất ngờ khiến cơ thể mệt mỏi trong vài ngày.

Nhìn chung, bài viết này không phải để kêu gọi bạn ủng hộ hay tẩy chay chế độ ăn này, chỉ là hãy cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng một chế độ giảm cân nào đó. Hãy nhớ, giảm cân tốt nhất là kết hợp tập luyện và ăn uống cân bằng, còn mọi chế độ ăn yêu cầu bạn cắt giảm một lượng lớn dinh dưỡng đều là không lành mạnh.

Cập nhật: 16/10/2020 Theo helino/zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video