Tài năng toán học chưa từng đến trường

Từng được đưa vào sách Kỷ lục Thế giới Guinness về khả năng tính nhẩm siêu phàm, song một nữ thần đồng toán học tại Ấn Độ chỉ tự nghiên cứu để thành tài.

Thần đồng toán học Shakuntala Devi. Ảnh: thestar.com.my.

Giống như phần lớn học sinh, Gaurav Tiwari từng coi toán là một môn khó. Nhưng, theo tờ The Jakarta Post, sau khi tham gia một buổi tập huấn do Shakuntala Devi, nữ thần đồng toán học 71 tuổi người Ấn Độ, tổ chức tại trường Quốc tế Gandhi tại thủ đô Jakarta của Indonesia, cậu đã không còn sợ nó nữa.

Buổi tập huấn không chỉ giúp những học sinh như Gaurav học toán một cách dễ dàng hơn, mà còn giúp cậu bé 16 tuổi yêu môn học luôn được cho là "khô khan".

“Giờ đây cháu biết được sự kỳ diệu của nhiều thứ, trong đó có các con số. Bà Shakuntala thực hiện mọi bài toán một cách tuyệt vời”, Gaurav chia sẻ.

Bà Shakuntala thể hiện khả năng toán học bằng cách nhân và chia những dãy số dài trong vài giây. Bà cũng cho thấy những tính chất riêng biệt của nhiều số. Những tính chất ấy giúp con người tìm ra kết quả rất nhanh khi thực hiện phép bình phương (một số tự nhân với chính nó).

Chẳng hạn, 11 x 11 = 121, 111 x 111 = 12.321. Tương tự 33 x 33 = 1.089, trong khi 333 x 333 = 110.889.

Tài năng toán học 71 tuổi cũng khiến mọi người trong khán phòng kinh ngạc khi đoán được ngày sinh của một số người.

“Cháu thực sự ấn tượng với màn trình diễn của bà ấy”, một học sinh có tên Ananthu phát biểu.

Ananthu nói cậu rất thích thú khi nghe Shakuntala mô tả những tính chất kỳ diệu của số 1.

“Cuộc nói chuyện đó rất thú vị. Nhờ nó mà chúng cháu có thể mở rộng tầm nhìn về môn toán”, Gaurav nói.

Jalaj, một giáo viên toán tại trường quốc tế Gandhi nói anh cảm thấy ấn tượng sâu sắc với cách mà Shakuntala áp dụng để thu hút sự chú ý của khán giả trong buổi tập huấn.

“Bà sử dụng khả năng hài hước để thu hút sự chú ý của mọi người. Tôi ngạc nhiên với những kỹ thuật tiên tiến mà bà áp dụng để thực hiện các phép toán”, anh nói.

Shakuntala Devi thể hiện khả năng toán học tại Ấn Độ vào năm 2006. Ảnh: atlantadunia.com.

Shakuntala sinh ngày 4/11/1939 tại bang Bangalore, Ấn Độ. Bà cho biết những câu chuyện hay cách nói hài hước là phương pháp mà bà áp dụng để biến các bài toán khô khan trở nên thú vị đối với học sinh.

“Tôi khuyến khích mọi giáo viên toán tạo ra những thách thức cho học sinh và loại bỏ cảm giác sợ môn toán. Một khi nỗi sợ hãi biến mất, kết quả sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên”, Shakuntala bình luận.

Shakuntala nói thêm rằng bà chẳng có bí quyết nào trong khả năng học toán siêu phàm bởi nó đến hết sức tự nhiên. Bà ý thức được khả năng đặc biệt khi mới ba tuổi. Hồi ấy bà luôn giành phần thắng trong các ván bài với cha nhờ khả năng nhớ được tất cả những quân bài đã được hạ xuống.

“Đó là một món quà của thần linh. Do là món quà của thần linh nên tôi muốn chia sẻ nó với mọi người. Tôi thường xuyên tập luyện để nâng cao các kỹ năng làm toán”, bà nói.

Nhiều thần đồng toán học ở độ tuổi thiếu niên, như Truman Henry Safford (Mỹ) mất dần khả năng tính nhẩm nhanh khi lớn lên, song hiện tượng đó không xảy ra ở Shakuntala. Vào ngày 18/6/1980, trước sự chứng kiến của hàng trăm người tại Đại học Thực nghiệm London, Anh, bà thể hiện khả năng tính nhẩm siêu phàm bằng cách thực hiện phép nhân 7.686.369.774.870 x 2.465.099.745.779. Hai con số trong phép nhân do chính khán giả đưa ra. Bà trả lời kết quả trong vòng 28 giây. Đó là con số 18.947.668.177.995.426.462.773.730. Sự kiện ấy được ghi lại trong trang 26 của Sách Kỷ lục Guinness 1995.

Shakuntala thừa nhận bà chưa từng tới trường vì muốn tự học. Bà đã viết 14 cuốn sách, trong đó có một số cuốn được dịch sang tiếng Nhật, Thái và Đan Mạch.

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video