Tại sao bạn luôn nghĩ mình đúng, kể cả khi bạn đang sai?

Bạn là một anh lính hay một trinh sát? Câu trả lời của bạn cho câu hỏi này có thể cho thấy bạn nhìn nhận thế giới rõ ràng ra sao - theo chuyên gia Julia Galef.

Hãy tưởng tượng bạn là một anh lính đang đứng giữa chiến trường rực lửa - có thể là một bộ binh Roman, một cung thủ trung cổ, hay một chiến binh Zulu. Bất kể bạn ở thời nào và tại đâu, luôn có một số thứ không hề thay đổi. Khi nồng độ adrenaline trong cơ thể bạn tăng cao, những hành động của bạn sẽ bộc phát từ những phản xạ đã ăn sâu vào tiềm thức - những phản xạ được "cài cắm" sẵn để bảo vệ chính bản thân cũng như đồng đội bạn, và giúp đánh bại kẻ thù.

Bây giờ hãy hình dung bạn ở một vai trò rất khác: người trinh sát. Công việc của trinh sát không phải là tấn công hay phòng thủ, mà là tìm hiểu. Trinh sát là người ra ngoài, vẽ nên địa hình, xác định những chướng ngại có thể xuất hiện. Trên hết, trinh sát muốn biết điều gì đang thực sự diễn ra ở ngoài kia càng chính xác càng tốt. Trong một đội quân, cả lính lẫn trinh sát đều không thể thiếu được.

Bạn cũng có thể nghĩ về vai trò người lính và người trinh sát như những kiểu tư duy - một phép ẩn dụ ám chỉ cách chúng ta xử lý thông tin và ý tưởng trong cuộc sống hàng ngày. Việc có thể đánh giá và đưa ra những quyết định đúng đắn hoá ra phụ thuộc khá nhiều vào kiểu tư duy của bạn. Để minh hoạ hai kiểu tư duy nói trên trong thực tế, hãy xem một trường hợp từ thế kỷ 19 tại Pháp, nơi từng diễn ra một trong những vụ scandal chính trị lớn nhất trong lịch sử thế giới vào năm 1894, mà nguyên nhân khởi phát là từ một mẩu giấy bị xé trông khá vô hại. Các sỹ quan thuộc Bộ Tham mưu Pháp phát hiện ra nó trong một cái giỏ chứa giấy vụn, và khi ráp từng mẩu lại với nhau, họ phát hiện ra có ai đó trong hàng ngũ của mình đang bán bí mật quân sự cho Đức. Họ lập tức tổ chức một cuộc điều tra lớn, và nhanh chóng đưa ra được nghi phạm: Alfred Dreyfus. Người này có một tiểu sử xuất sắc, chưa từng phạm sai lầm gì trong quá khứ, cũng không có động cơ để thực hiện việc động trời đó.

Tuy nhiên, Dreyfus là sỹ quan gốc Do Thái duy nhất có cấp bậc này trong quân đội, và không may là ở thời điểm đó, quân đội Pháp là một..."ổ" bài Do Thái. Các sỹ quan khác đã so sánh chữ viết tay của Dreyfus với chữ trên mẩu giấy và kết luận trùng khớp, dù rằng các chuyên gia về chữ viết tay bên ngoài không tự tin lắm khi khẳng định điều đó. Họ tìm kiếm căn hộ của Dreyfus và lục lọi mọi tập tin của ông, tìm kiếm những dấu hiệu chứng minh hoạt động gián điệp, nhưng không thấy gì cả. Điều đó càng thuyết phục họ rằng Dreyfus không chỉ phạm tội, mà còn cực kỳ ranh mãnh bởi đã giấu nhẹm mọi chứng cứ một cách thành thục. Họ tìm hiểu lịch sử cá nhân của ông để xem có các chi tiết buộc tội nào không. Họ nói chuyện với các giáo viên trước đây của Dreyfus và biết được ông từng học nhiều ngoại ngữ, điều mà họ cho rằng là quá trình chuẩn bị để Dreyfus về sau có thể câu kết với chính phủ các nước ngoại bang. Các giáo viên của ông còn nói rằng Dreyfus có trí nhớ tốt - hẳn rồi, một điệp viên phải nhớ rất nhiều thứ mà, đúng chứ?

Vụ án được đưa ra toà, và Dreyfus bị kết tội. Sau đó, các sỹ quan đưa ông ra quảng trưởng công cộng, lột bỏ phù hiệu của ông khỏi quân phục và bẻ đôi thanh kiếm ông đang giữ. Sự kiện này được gọi là "Buổi hạ bệ Dreyfus". Ông bị kết án tù chung thân tại một nơi tên là Đảo Quỷ, một mỏm đá trơ trọi ngoài khơi Nam Mỹ. Cô độc trong buồng giam, Dreyfus viết nhiều bức thư gửi đến chính phủ Pháp, van xin họ mở lại vụ án để tìm kiếm bằng chứng vô tội của ông. Bạn có thể đoán rằng Dreyfus đã bị "gài" hoặc rơi vào bẫy của đồng đội, nhưng các nhà sử học ngày nay không nghĩ vậy. Họ cho rằng các sỹ quan trong quân đội đã một mực tin vụ án chống lại Dreyfus là hoàn toàn chính xác.


Buổi hạ bệ Dreyfus.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây: bản chất trí óc con người thực sự như thế nào, khi mà chúng ta lại thấy những bằng chứng tưởng như hời hợt kia đủ sức thuyết phục để kết tội một con người? Vụ việc nêu trên là thứ mà các nhà khoa học gọi là "lập luận có động cơ", một hiện tượng trong đó những động cơ, ham muốn, và nỗi sợ hãi vô thức của bản thân định hình nên cách chúng ta diễn giải thông tin. Một số mẩu thông tin trông như đồng minh của chúng ta - chúng ta muốn có được chúng để giành chiến thắng; chúng ta muốn bảo vệ chúng. Và những mẩu thông tin khác là kẻ thù, chúng ta muốn bắn hạ chúng. Đó là lý do tại sao "lập luận có động cơ" là một kiểu "tư duy binh lính".

Có thể bạn chưa bao giờ sỉ vả một sỹ quan Pháp - Do Thái vì phản quốc, bạn có thể làm những việc tương tự, hoặc biết một ai đó làm những điều như vậy. Ví dụ, khi trọng tài ra phán quyết đội của bạn đã phạm lỗi, bạn nhiều khả năng sẽ có cảm giác thôi thúc cao độ phải tìm ra lý do để chứng minh ông ta sai. Nhưng nếu trọng tài phán quyết đội kia phạm lỗi - đó quả là một tin mừng. Hoặc, có lẽ bạn từng đọc một bài viết hay một nghiên cứu đánh giá về một chính sách gây tranh cãi, như án phạt tử hình chẳng hạn. Theo các nhà nghiên cứu, nếu bạn ủng hộ án tử hình và nghiên cứu cho thấy nó không hiệu quả, thì bạn sẽ bị thôi thúc cao độ phải chỉ ra mọi lý do chứng minh rằng nghiên cứu đó đã được thực hiện một cách kém chuẩn xác. Nhưng nếu nó cho thấy án tử hình thực sự mang lại hiệu quả, bạn sẽ gật gù rằng quả là một nghiên cứu đáng đọc. Và ngược lại: nếu bạn không ủng hộ án tử hình, mọi chuyện cũng sẽ diễn ra theo cách tương tự.

Phán xét của chúng ta vô tình bị ảnh hưởng mạnh bởi bên mà chúng ta muốn giành chiến thắng - và đó là một điều rất phổ biến. Nó định hình suy nghĩ của chúng ta về sức khoẻ, về các mối quan hệ, cách chúng ta quyết định sẽ bỏ phiếu bầu cử, và những thứ chúng ta xem là công bằng hay có đạo đức. Điều đáng sợ nhất về lập luận có động cơ, hay tư duy binh lính, là sự vô tình của nó. Chúng ta có thể nghĩ mình đang khách quan và công bằng, và rồi vẫn cứ làm những việc có thể phá hỏng cả cuộc đời của một người vô tội như Dreyfus.

May mắn cho Dreyfus là có một người tên Đại tá Picquart. Ông là một sỹ quan cấp cao khác trong quân đội Pháp, và giống hầu hết mọi người, ông cho rằng Dreyfus có tội. Và giống hầu hết các đồng đội, ông cũng phần nào bài Do Thái. Nhưng một ngày, Picquart bắt đầu nghi ngờ: "Nếu chúng ta đều đã sai về vụ Dreyfus thì sao?". Picquart phát hiện bằng chứng rằng hoạt động gián điệp của Đức vẫn tiếp tục, kể cả sau khi Dreyfus đã bị đưa vào tù. Ông còn phát hiện ra một sỹ quan khác trong quân đội có chữ viết tay trùng khớp hoàn hảo với mẩu giấy bị xé.

Phải mất 10 năm Picquart mới xoá được tội danh cho Dreyfus, và một phần trong quãng thời gian đó, chính ông cũng bị tống giam vì tội bất trung với quân đội. Một số người nói rằng Picquart không nên được tán dương như một anh hùng, bởi ông là một kẻ bài Do Thái. Thái độ phân biệt chủng tộc đó đúng là không thể chấp nhận được. Nhưng chính việc Picquart là một người bài Do Thái lại càng khiến hành động của ông trở nên đáng ngưỡng mộ hơn, bởi trong khi ông có đầy đủ những lý do để thể hiện thành kiến với Dreyfus giống như các sỹ quan đồng đội, thì động cơ thúc đẩy ông tìm kiếm và tôn vinh sự thật đã che mờ tất cả.

Picquart là điển hình của "tư duy trinh sát", kiểu suy nghĩ không cho rằng một ý tưởng là đúng hay ý tưởng khác là sai, mà phải xem có những gì đang diễn ra với thái độ thành thực và sự chính xác cao nhất có thể dù rằng điều đó có thể không vừa mắt, thoải mái, hay dễ chịu. Tại sao một số người có khả năng vượt qua định kiến, thiên vị, và động cơ của chính mình, và tìm cách để nhìn nhận những sự thật cùng các bằng chứng một cách khách quan nhất có thể? Câu trả lời là: cảm xúc.


Bạn có "tư duy binh lính" hay "tư duy trinh sát"?

Giống như việc tư duy binh lính được hình thành dựa trên những phản ứng cảm tính, tư duy trinh sát cũng vậy - nhưng nó đơn giản là dựa trên những cảm xúc khác. Ví dụ, trinh sát có tính tò mò. Họ là kiểu người sẽ cảm thấy thích thú khi biết được một thông tin mới hay giải được một câu đố. Họ khả năng cao sẽ cảm thấy tò mò và kích thích khi gặp phải một thứ gì đó trái ngược với kỳ vọng của mình.

Trinh sát còn có những nguyên tắc khác biệt. Họ có khuynh hướng đề cao việc thử thách niềm tin của bản thân, và ít khi nói rằng những người hay thay đổi suy nghĩ là yếu kém. Và trên hết, trinh sát là những người có lý lẽ, có nghĩa là lòng tự trọng của họ không liên quan đến việc họ đúng hay sai về bất kỳ chủ đề cụ thể nào. Ví dụ, họ có thể tin rằng án tử hình có hiệu quả, và nếu có nghiên cứu chỉ ra nó không hiệu quả, họ có thể gật gù rằng "Có thể mình sai chăng? Nhưng không có nghĩa mình kém hay ngu dốt". Các nhà nghiên cứu nhận định rằng những người có tập hợp những đặc tính như vậy sẽ có khả năng phán đoán tốt hơn.

Điểm mấu chốt có thể rút ra về những đặc tính đi cùng tư duy trinh sát là chúng rất ít khi phụ thuộc vào mức độ thông minh của bạn, hay lượng thông tin mà bạn nắm được. Chúng không liên quan quá nhiều đến IQ; chúng liên quan đến cách bạn cảm nhận. Có một câu trích từ Antoine de Saint-Exupery, tác giả cuốn Hoàng tử bé như sau: "Nếu bạn muốn dựng nên một chiếc thuyền, đừng hô hào quân lính đi thu nhặt gỗ, ra lệnh, và phân công công việc. Thay vào đó, hãy dạy họ sự khao khát đối với biển cả mênh mông và vô tận".

Nói cách khác, nếu chúng ta thực sự muốn cải thiện sự phán xét của mình dưới tư cách cá nhân và xã hội, điều chúng ta cần nhất không phải là tìm đến logic, hùng biện, xác suất, hay kinh tế học, dù cho những thứ đó đều đáng giá. Điều chúng ta cần nhất để có thể sử dụng tốt những nguyên lý đó chính là tư duy trinh sát. Chúng ta cần thay đổi cách cảm nhận, để học cách cảm thấy tự hào thay vì xấu hổ khi phát hiện ra bản thân có thể sai về điều gì đó, hoặc học cách cảm thấy tò mò thay vì đề phòng khi gặp phải những thông tin trái ngược với điều mình tin tưởng. Vậy nên, câu hỏi bạn cần xem xét là: bạn mong muốn điều gì nhất - bảo vệ niềm tin của chính mình, hay nhìn nhận được thế giới theo cách rõ ràng nhất có thể?

Cập nhật: 27/09/2020 Theo vnreview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video