Tại sao có rất nhiều loài động vật nguy hiểm sinh sống ở Úc?

Có rất nhiều loài động vật nguy hiểm trên thế giới. Một số nguy hiểm vì chúng truyền bệnh, như muỗi gây bệnh sốt rét. Một số khác nguy hiểm vì chúng có nọc độc chết người.

Điều thú vị là Úc (Australia) chỉ có 66 loài có nọc độc, trong khi Mexico có 80 loài và Brazil có 79 loài. Tuy nhiên, Australia lại có những loài có nọc độc gây chết người nhiều nhất, hung dữ và sát thủ nhất. Rắn, sứa hộp, ốc nón cẩm thạch, bạch tuộc vòng xanh và cá đá nằm trong top 10 loài động vật có nọc độc mạnh nhất thế giới và tất cả đều sống ở Úc.


Rắn Taipan nội địa - Loài rắn độc nhất nước Úc. (Ảnh: Elliot Budd).

Ấn tượng hơn nữa, Úc là quê hương của 20 trong số 25 loài rắn độc nhất trên thế giới, bao gồm tất cả các loài nằm trong top 11. Loài rắn trên cạn độc nhất thế giới, Taipan nội địa (Oxyuranus microlepidotus) không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất - ngoài ÚC. Nó còn được gọi là loài rắn hung dữ, và mang đủ lượng nọc độc chỉ trong một nhát cắn để kết liễu 250.000 con chuột một lúc.

Nhưng tại sao nước Úc lại có nhiều loài động vật có nọc độc mạnh như vậy? Theconversation sẽ lý giải câu hỏi này,mời bạn cùng theo dõi.

180 triệu năm trước...

Đầu tiên, chúng ta cần quay ngược lại thời điểm cách đây 180 triệu năm. Vào thời điểm này trong lịch sử, châu Phi, Nam Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nam Cực đều được liên kết với nhau (gọi là siêu lục địa). Khối đất này dần dần bị tách ra: Châu Phi và Nam Mỹ tách ra trước, sau đó là Ấn Độ và Madagascar 40 triệu năm. Australia và Nam Cực cuối cùng đã chia cắt khoảng 100 triệu năm trước.

Ngày nay, những con rắn độc được tìm thấy ở tất cả những nơi này - ngoại trừ Nam Cực, nơi quá lạnh để chúng sinh sống. Trên diện tích đất kết hợp ban đầu, người ta cho rằng có một quần thể rắn tổ tiên có nọc độc sống tại siêu lục địa. Dần dần chúng bị tách ra khi các khối đất bị chia cắt.


Rắn độc được tìm thấy ở khắp nơi trên Trái đất, trừ Nam Cực. (Ảnh minh họa: Raúl Gómez / Scitechdaily).

Trong khi các châu lục khác hiện có một số loại rắn khác nhau, rắn ở Úc hầu như chỉ thuộc về một nhóm, gọi là rắn cạp nia. Đây là một nhóm rắn chuyên tiêm nọc độc cho con mồi từ những chiếc răng nanh rỗng và cố định.

Các lục địa khác có một số tổ tiên có thể có hoặc không có nọc độc, nhưng 140 loài rắn trên cạn và 30 loài rắn biển của Úc đều tiến hóa từ một tổ tiên có nọc độc.

Một số loài vốn đã có nọc độc chỉ đơn giản là bị mắc kẹt ở Australia khi nước này trở thành một vùng đất bị cô lập. Động vật chân đốt có nọc độc ở đó bao gồm kiến bẫy (chi Odontomachus) có thể gây vết cắn đau đớn nhưng những loài côn trùng này cũng sống ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới khác trên thế giới chứ không chỉ ở Úc. Tương tự, loài kiến bulldog Úc (chi Myrmecia) là loài có thể đốt và cắn đồng thời, nằm trong số những loài kiến nguy hiểm nhất thế giới và được cho là đã giết chết 3 người kể từ năm 1936, theo Kỷ lục Guinness Thế giới. Những dòng kiến độc này đã có mặt ở Gondwana vào thời điểm tách ra và ở đó khi Úc trở thành lục địa của riêng mình.

Đối với nhện, nhện mạng phễu (chi Hadronyche và Atrax) là loài duy nhất ở Úc có thể giết người bằng vết cắn có nọc độc. Theo Bảo tàng Australia, nhện mạng phễu đực ở Sydney (Atrax Robustus) được cho là đã giết chết 13 người, mặc dù chưa có trường hợp tử vong nào ở người được ghi nhận kể từ khi chất kháng nọc độc được đưa ra thị trường vào năm 1981. Một loài nhện góa phụ ở Úc, loài nhện lưng đỏ (Latrodectus hasselti) cũng có thể giết người bằng vết cắn có nọc độc.

Tương tự như vậy, các loài động vật chân đầu có nọc độc bao gồm mực, bạch tuộc và mực nang đã tồn tại tới 300 triệu năm.

Tiến hóa để sống

Hãy tưởng tượng một con rắn sử dụng nọc độc để giết con mồi. Nếu tất cả các loài rắn đều có nọc độc giống nhau, chúng sẽ chỉ có thể giết chết con mồi ở một loại hoặc kích thước nhất định.

Nhưng thường có sự khác biệt về độ mạnh của nọc độc của mỗi loài rắn. Sự đa dạng này giống như cách con người chúng ta có chiều cao khác nhau; hoặc có kích thước bàn chân khác nhau.


Ảnh lần lượt theo chiều kim đồng hồ, từ trái sang: Bạch tuộc vòng xanh, sứa hộp, ốc nón cẩm thạch và cá đá - Những "sát thủ" có nọc độc mạnh top 10 thế giới, đều ở Úc. (Ảnh: Internet)

Vì vậy, con rắn có nọc độc mạnh hơn một chút sẽ có thể giết con mồi (đa dạng hơn về kích thước) mà các loài rắn khác không thể. Nó sẽ có thể ăn nhiều thức ăn hơn - đủ để tồn tại và sinh sản, truyền nọc độc mạnh sang con cái. Những con rắn này sẽ có khả năng sống sót tốt hơn những con có nọc độc kém mạnh hơn, vì vậy việc có nọc độc mạnh ngày càng trở nên phổ biến. Đây là những gì chúng ta gọi là quá trình tiến hóa.

Vì bữa ăn nào cũng có giá trị, đặc biệt là vì một số loài rắn sống trong môi trường khô nóng, nơi không có nhiều con mồi, nọc độc cần phải cực kỳ hiệu quả để đảm bảo rằng con mồi không trốn thoát hoặc gây hại cho rắn.

Và khi con mồi phát triển các cách để chống lại tác động của nọc độc, loài rắn buộc phải phát triển các cách để làm cho nọc độc của chúng mạnh hơn nữa.

Có vẻ như Úc có những loài động vật nguy hiểm nhất vì tổ tiên duy nhất của chúng cũng nguy hiểm, mặc dù không mạnh bằng (chúng mạnh dần theo sự tiến hóa để thích nghi với môi trướng sống).

Tuy nhiên, rất ít động vật Úc thực sự gây ra cái chết cho con người. Vì vậy, mặc dù Úc có nhiều loài động vật có độc chết chóc nhất trên thế giới, nhưng không chắc bạn sẽ bị chúng làm hại, đặc biệt khi chúng chỉ cắn con người khi cảm thấy bị đe dọa.

Cập nhật: 21/12/2024 Theo PL&BĐ - SHTT&ST
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video