Tại sao hút thuốc dù chỉ một điếu mỗi ngày vẫn có hại cho sức khoẻ?

Nếu được, bạn nên bỏ hẳn việc hút thuốc, thay vì "hút ít" để "đỡ cơn thèm thuốc".

Vào ngày 24/1 vừa qua, Tạp chí Y khoa Anh đã công bố kết quả của một nghiên cứu mới cho thấy: những người hút thuốc lá dù chỉ một điếu mỗi ngày cũng có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch vành (Coronary Heart Disease – CHD) và đột quỵ cao một cách đáng kinh ngạc. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên tổng hợp kết quả từ các nghiên cứu khác về hút thuốc lá và bệnh tim mạch – tổng cộng 141 nghiên cứu, với dữ liệu của gần 13 triệu người.

Nguy hiểm khôn lường

Theo người đứng đầu của cuộc nghiên cứu, tiến sĩ Allan Hackshaw, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư UCL tại Đại học College London, các kết quả thu được khiến ông và các cộng sự cảm thấy rất bất ngờ. "Rất nhiều người trong số chúng ta thường nghĩ rằng, nếu hút một điếu thuốc thay vì 20 (số điếu thuốc thường có trong một bao) thì chúng ta sẽ chỉ có tỉ lệ mắc bệnh là 1/20. Điều này là hoàn toàn không đúng", ông nói.


Nam giới hút một điếu thuốc lá mỗi ngày có tỉ lệ mắc CHD cao hơn 48% so với người chưa từng hút thuốc.

Nếu so với việc hút một bao thuốc mỗi ngày, giảm xuống còn một điếu đúng là có làm giảm tỉ lệ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ còn một nửa, nhưng "một nửa" đó vẫn là rất đáng kể. Nam giới hút một điếu thuốc lá mỗi ngày có tỉ lệ mắc CHD cao hơn 48% so với người chưa từng hút thuốc, còn ở nữ giới là 57%. Ngoài ra, ở cả nam giới và nữ giới, tỉ lệ bị đột quỵ tăng khoảng 30%.

Nói cách khác: Bất kỳ sự tiếp xúc nào với thuốc lá cũng là quá nhiều.

"Những người hay hút thuốc nên hướng tới mục tiêu bỏ hẳn thuốc lá, thay vì chỉ cắt giảm lượng tiêu thụ mỗi ngày để tránh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch", ông Hackshaw khuyến cáo.

Một xu hướng đáng lo ngại

Những phát hiện của nghiên cứu mới này đặc biệt đáng quan tâm khi việc cắt giảm chứ không bỏ hẳn thuốc lá đang trở thành một xu hướng. Ví dụ, những người ở Mỹ hút thuốc ít hơn 10 lần mỗi ngày tăng từ 16% lên 27% trong giai đoạn 2005-2014. Tỉ lệ người hút thuốc tại Anh tiêu thụ từ một đến năm điếu mỗi ngày đã tăng đều đặn từ 18% đến 24% trong khoảng thời gian 2009-2014.

Tất nhiên, hút thuốc ít hơn chắc chắn sẽ có lợi cho sức khỏe hơn là hút nhiều, nhưng nếu so với việc bỏ hẳn, "lợi ích" đó thực sự quá nhỏ bé. "Mối quan hệ phi tuyến tính giữa CHD và hàm lượng thuốc lá tiêu thụ thường không được công chúng hay các chuyên gia y học biết đến, đặc biệt là những người không có chuyên môn về thuốc lá hay sức khỏe", ông Hackshaw nói thêm.

Ví dụ, trong một nghiên cứu được thực hiện năm 2015 với sự tham gia của gần 25.000 thanh thiếu niên tại Mỹ xuất bản trên tạp chí Pediatrics, chỉ có 35% số người hút thuốc "ít" – với hàm lượng thuốc lá tiêu thụ ít hơn 10 điếu mỗi ngày – cho rằng thói quen của họ "có hại cho sức khỏe".

Hút thuốc có hại cho tim như thế nào?

Theo ông Steve Nissen, Chủ tịch phòng y học tim mạch tại Cleveland Clinic, Ohio, Mỹ, hút thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về tim mạch. "Rất nhiều người cho rằng hút thuốc gắn liền với ung thư phổi, nhưng thực sự thì tim cũng chịu ảnh hưởng và các bệnh về tim mạch mới là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất", ông giải thích.

Ví dụ, có một nghiên cứu cho thấy khoảng 2/3 số ca tử vong do CHD của những người hút thuốc là do thói quen của họ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hút thuốc ảnh hưởng đến tim theo nhiều cách khác nhau. Những hóa chất có trong khói thuốc khiến các tế bào hình thành mạch máu bị sưng và viêm tấy, dẫn đến việc mạch máu bị thu hẹp. Các hóa chất này đồng thời còn làm hình thành các cục máu đông bên trong tĩnh mạch và động mạch. Cả hai điều này đều có thể khiến những người hút thuốc đau tim hoặc đột quỵ.


Không chỉ phổi, tim cũng là cơ quan bị ảnh hưởng bởi các tác hại của thuốc lá.

Ngoài ra, ông Hackshaw cũng cho biết rằng những di chứng do việc hút thuốc để lại thường xảy ra rất nhanh, chỉ sau một vài năm. Tuy nhiên, đây cũng là một tin tốt cho những người hút thuốc, vì điều này cũng có nghĩa là nguy cơ mắc bệnh tim mạch của họ cũng sẽ giảm một cách nhanh chóng, một khi họ bỏ hút thuốc lá. Theo CDC, ngay cả những người hút thuốc trong thời gian dài cũng sẽ thấy được sự cải thiện nhanh chóng về sức khỏe. Trong một năm, tỉ lệ bị đau tim giảm rất đáng kể; trong năm năm, đa số người hút thuốc giảm tỉ lệ bị đột quỵ xuống còn tương đương với người không hút thuốc.

Loại bỏ thói quen có hại

Nếu bạn muốn bỏ hẳn thuốc lá, việc dần dần giảm lượng thuốc tiêu thụ mỗi ngày sẽ rất hữu ích. Trên thực tế, việc cai thuốc ngay lập tức tỏ ra rất kém hiệu quả: chỉ có khoảng 3-6% số người hút thuốc bỏ ngay lập tức vẫn còn duy trì được sau một năm.

Ông Albert Rizzo, cố vấn y học cấp cao của Hiệp hội Bệnh phổi Mỹ cho biết, mọi người nên kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để cai thuốc, như giảm số lượng thuốc hút, đến các buổi tư vấn sức khỏe, tìm các sự lựa chọn thay thế cho nicotin và uống thuốc hỗ trợ được các bác sĩ kê đơn. Bạn hút thuốc càng ít, việc cai thuốc càng trở nên dễ dàng hơn. "Khi bạn giảm xuống chỉ còn một điếu thuốc mỗi ngày, đây là sự đấu tranh giữa bạn và thói quen xấu của mình, chứ không phải là vì nghiện chất nicotin. Lượng nicotin được tiêu thụ ở thời điểm đó là quá thấp", ông nói.

Để phá bỏ hoàn toàn thói quen này, bạn có thể tìm những việc khác thay thế cho hành vi "đưa tay lên miệng" khi thèm thuốc như ngậm tăm hoặc ngậm một thanh kẹo mút chẳng hạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể khiến bản thân quên đi cơn thèm bằng các hoạt động như đi dạo, tán gẫu với bạn bè hay đọc báo. Để có thêm sự giúp đỡ trong việc cai thuốc, Hiệp hội Bệnh phổi Mỹ cung cấp rất nhiều thông tin hoàn toàn miễn phí tại trang tin Lung.org.

Cập nhật: 26/01/2018 Theo vnreview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video