Tại sao mắt lại bị cay rát khi vừa mới thức dậy?

Khi vừa mở mắt sau một giấc ngủ dài, chúng ta thường cảm thấy mắt mình bỏng rát như bị châm chích, cảm giác khó chịu này kéo dài không quá 4-5 giây. Tại sao điều đó xảy ra? Hóa ra cảm giác cay rát này có liên quan đến lượng chất lỏng có trong mắt.

Tại sao mắt luôn ướt?

Trên thực tế, đôi mắt của con người  luôn ẩm ướt, ngay cả khi chúng ta không khóc hay bị chảy nước mắt. Màng chất lỏng trên bề mặt của mắt bao gồm dầu, nước và chất nhầy nuôi dưỡng mắt và giữ cho mắt được trơn ẩm, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt.

Nếu màng chất lỏng này bị rối loạn, bạn có thể bị kích ứng, cay rát hoặc mờ mắt, tất cả những điều này thường đi kèm với chảy nước mắt.

Có một số tuyến, được gọi là tuyến lệ, bên dưới da của mí mắt trên, tạo ra chất lỏng bao gồm nước và muối. Chất lỏng này đến mắt qua các lỗ nhỏ bên trong mí mắt trên và lan ra khắp nhãn cầu khi chớp mắt.

Tại sao mắt bị cay rát ngay sau khi chúng ta thức dậy?


Mắt luôn ướt nhờ có màng chất lỏng bao phủ nhãn cầu

Nguyên nhân chính dẫn đến việc mắt bị cay rát là do mắt bị khô.

Bên cạnh việc thiếu chớp mắt, khi ngủ cơ chế tạo ra nước mắt của cơ thể cũng không hoạt động như khi bạn thức, dẫn đến mắt không được bôi trơn, do đó khiến chúng bị khô.

Tình trạng khô mắt thậm chí còn tồi tệ hơn ở những người ngủ với mí mắt mở một phần. Ngủ khi mắt không nhắm hẳn, cùng với việc thiếu chớp mắt sẽ làm khô mắt nhanh hơn. Bên cạnh đó, ngủ ngay dưới quạt trần chạy quá mạnh cũng không cũng có tác hại tương tự.

Hiện tượng khô mắt cũng xảy ra sau khi làm việc trong thời gian dài, chẳng hạn như nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại thông minh, hoặc thậm chí đọc sách. Mọi người có xu hướng chớp mắt ít hơn khi tập trung vào điều gì đó, điều này khiến mắt họ nhanh chóng bị khô.

Trên thực tế, chúng ta thường chớp mắt 15-20 lần một phút, nhưng khi làm điều gì đòi hỏi sự tập trung, chẳng hạn như mải mê xem một chương trình truyền hình hoặc đọc sách,… tốc độ chớp mắt có thể giảm xuống chỉ còn 3-4 lần một phút.


Việc không thể chớp mắt trong thời gian dài khi ngủ khiến mắt bị khô, gây cảm giác cay rát khi vừa thức dậy

Đây là lý do tại sao các bác sĩ đôi khi khuyên mọi người sử dụng thuốc nhỏ mắt giúp làm giảm chứng khô mắt — một tình trạng rất thường thấy ở những người làm việc trước màn hình máy tính trong nhiều giờ liên tục.

Điều quan trọng là phải chớp mắt!

Bạn có thể đã nghe nói về quy tắc 20 x 20. Theo quy tắc này, khi bạn tập trung vào một thứ gì đó trong thời gian dài, cứ sau 20 phút hãy cho mắt nghỉ ngơi hoặc nhìn ra xa tối thiểu là 20 giây. Trong 20 giây này, hãy chớp mắt vài lần để giúp mắt được bôi trơn. Đây cũng là một hình thức tập thể dục tốt cho mắt!

Thời gian không chớp mắt dài nhất của con người là bao lâu?

Bạn đã bao giờ tự tính giờ xem mình có thể mở mắt mà không chớp trong bao lâu chưa? Nếu như bạn chưa bao giờ luyện tập hoạt động này thì khả năng cao là bạn sẽ chớp mắt trong vòng dưới 6-7 phút hoặc ngắn hơn!


Làm việc bằng máy tính trong thời gian dài khiến mắt khô, bỏng rát

Trên thực tế, có những cuộc thi về khả năng nhìn chằm chằm trong thời gian dài cũng như có nhiều người luyện tập chuyên nghiệp với hoạt động này.

Khoảng một thập kỷ trước, có một cuộc thi nhìn chằm chằm ở Úc, trong đó hai người đàn ông Eyesore và Stare Master đã phá kỷ lục thế giới về việc nhìn chằm chằm. Kết quả, Eyesore đã giành chiến thắng với thành tích mở to mắt trong 40 phút 59 giây!

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề dễ dàng… Mười lăm phút sau cuộc thi, cả hai người tham gia đều bị đỏ mắt và chảy nước mắt. Ở phút thứ 35, Eyesore nói rằng cảm giác như thể có người "đang xăm lên nhãn cầu của anh"! Nói cách khác, người bình thường KHÔNG NÊN thử làm điều này.

Chớp mắt là một phần quan trọng đối với sức khỏe của mắt cũng như của cơ thể, vì vậy hãy giữ cho cửa sổ tâm hồn của mình được khỏe mạnh bằng cách chớp mắt thường xuyên!

Cập nhật: 27/03/2021 Theo VnReview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video