Tại sao phải bắt cóc một nghị sĩ khi Vua Charles III đến quốc hội Anh?

Truyền thống bắt cóc một nghị sĩ khi vua Anh đến quốc hội xuất phát từ thế kỷ thứ 17 và vừa được tái hiện ngày 7/11.

Trong khi Vua Charles III phát biểu tại Quốc hội Anh hôm 7/11, một truyền thống kỳ lạ vừa được tái hiện khi hoàng gia phải bắt cóc một nghị sĩ làm con tin để đảm bảo rằng nhà vua sẽ trở về an toàn.

Bài phát biểu mang tính nghi lễ dài hơn 10 phút, do chính quyền Thủ tướng Anh Rishi Sunak soạn thảo và đề cập những mong muốn của chính phủ đối với các kế hoạch lập pháp cho năm tới, theo AFP.

Một trong những thủ tục cũng mang tính nghi lễ là việc Hoàng gia Anh giữ một nghị sĩ làm con tin trong suốt thời gian nhà vua đến quốc hội.


Vua Charles III cùng Hoàng hậu Camilla đến quốc hội hôm 7/11. (Ảnh: AP).

Theo tờ Daily Mail, thủ tục bất thường này có nguồn gốc từ thế kỷ 17, liên quan việc phân quyền giữa hoàng gia và chính phủ.

Về lý thuyết, chế độ quân chủ không liên quan cơ quan lập pháp của Vương quốc Anh, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Năm 1629, Vua Charles I không cho phép quốc hội họp, kéo dài suốt 11 năm.

Khi quốc hội triệu tập lại sau hơn một thập niên, Vua Charles I bước vào hạ viện tìm cách bắt 5 nghị sĩ. Ý định thâu tóm quyền lực của ông sau đó bất thành và sau Nội chiến Anh, ông bị kết tội phản quốc và bị tử hình vào năm 1649.

Kể từ đó, nhà vua Anh chỉ bước vào quốc hội với điều kiện phải bắt giữ một nghị sĩ làm con tin. Về mặt lý thuyết, điều đó có nghĩa là nếu có chuyện gì xảy ra với quốc vương khi đang ở quốc hội, con tin sẽ chịu chung số phận.

Nghị sĩ làm con tin thường là người kiêm vị trí phó quan nội quản hoàng gia. Vị trí này hiện do nữ nghị sĩ Jo Churchill nắm giữ, dù chưa có thông tin chính thức về việc bà làm con tin khi Vua Charles III đến quốc hội hôm 7/11.

Đài BBC dẫn lời cựu nghị sĩ Công đảng Jim Fitzpatrick kể về việc từng làm con tin trong cung điện hoàng gia. Khi đó, quan nội quản hoàng gia mời ông một ly rượu và 2 người theo dõi sự kiện trên truyền hình.

"Ông ấy nói rất rõ rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn ở Điện Buckingham. Tôi có thể đi loanh quanh, uống rượu, cà phê hoặc cùng ông ta xem truyền hình. Họ thực sự không nhốt tôi lại, nhưng nói rất rõ rằng tôi không được rời đi", ông kể.

Cập nhật: 11/11/2023 Thanh Niên
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video