Một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết đã giải mã được bộ gene của vịt có khả năng giúp hệ miễn dịch của chúng chống chọi lại nhiều loại virus cúm.
Công trình này nằm trong khuôn khổ một nghiên cứu về nguồn gốc tự nhiên của dịch cúm gia cầm.
Vịt và các loại gia cầm khác là vật chủ mang nhiều loại virus cúm. Các virus này có thể xâm nhập cơ thể lợn hoặc người, sau đó biến đổi thành nhiều chủng cúm nguy hiểm khác. Thế nhưng, có những con vịt miễn dịch với nhiều loại virus, như đã thấy trong trường hợp dịch cúm H7N9 mới đây tại Trung Quốc.
Theo công trình mới được công bố trên tạp chí Nature Genetics ra ngày 9/6, các nhà nghiên cứu cho biết đã giải mã được ADN của một con vịt cái Bắc Kinh 10 tuần tuổi và xác định được bộ gene của hệ miễn dịch có tác dụng giúp con vật tự bảo vệ trước virus cúm. Nhiều gene trong số đó không tìm thấy ở gà hay chim sẻ, những loài đã được nghiên cứu trước đây.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện thấy nhiễm sắc thể của vịt có một số cặp gene loại này, chứ không phải chỉ một gene đơn lẻ, điều đó giải thích tại sao vịt có khả năng miễn dịch cúm tốt hơn gà hay gà tây. Từ đó, họ rút ra kết luận rằng vịt được trang bị "hệ thống miễn dịch tối ưu" chống lại bệnh cúm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao hệ miễn dịch này vẫn bị vô hiệu hóa bởi chủng cúm H5N1, trong khi chứng tỏ được tác dụng đối với một số chủng cúm yếu hơn.
Cúm H5N1 bùng phát thành dịch năm 1997, bắt đầu từ các chợ gia cầm tại Hong Kong (Trung Quốc). Không lây lan từ người sang người nhưng chủng cúm này đặc biệt nguy hiểm nếu chẳng may bị nhiễm. Số liệu thống kê ghi nhận có hơn 600 trường hợp người bị nhiễm cúm, trong đó tỷ lệ tử vong lên đến 60%.