Tái tạo hệ động vật kỷ Nhân sinh

Một số nhà khoa học Nga và Mỹ đang dự định tái tạo lại hệ sinh thái trong đó có voi ma mút đã biến mất khỏi trái đất hơn 10.000 năm trước. Các dự án này sẽ tác động trực tiếp đối với sự đa dạng sinh học và làm giảm hiệu ứng nhà kính.

Ảnh: Thinkquest

Sergei Zimov, Giám đốc Trạm Nghiên cứu khoa học Tcherski thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga nằm ở phía bắc miền Đông Siberi, đang dự định tạo lại phong cảnh đã biến mất hoàn toàn khỏi trái đất từ 10.000 năm trước và làm sống lại những đàn voi ma mút khổng lồ. Với dự án có tên Pleistocene Park (Công viên kỷ Nhân sinh), Zimov muốn giải đáp các câu hỏi về tác động của con người hiện đại đối với môi trường, đồng thời tìm ra giải pháp để cứu hành tinh trái đất.

Cách đây khoảng 10.000 năm, nhiều loài động vật có vú lớn đã biến mất hoàn toàn khỏi trái đất khi con người xuất hiện. Sự thay đổi này đã đánh dấu sự kết thúc của kỷ Nhân sinh xuất hiện cách đó 1,6 triệu năm. Sau thời kỳ này, hàng nghìn loài thú lớn đã biến mất khỏi vùng Bắc lục địa Á - Âu, châu Mỹ, Australia và Madagascar. Vùng Bắc Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 70% loài vật có vú lớn bị diệt chủng.

Về mặt lý thuyết, sự tan băng gây thay đổi khí hậu và thực vật, đồng thời tác động dây chuyền đến các loài động vật ăn cỏ lớn. Sự biến mất của các loài động vật này tiếp đó đã làm suy giảm số lượng các loài săn mồi, trong đó có hổ răng kiếm, sư tử hang đá. Nhưng Zimov không hoàn toàn đồng ý với cách lý giải trên. Theo ông, con người với hoạt động săn bắn của mình là thủ phạm khiến các loài động có vú lớn biến mất.

Dự án Công viên kỷ Nhân sinh đã được triển khai ngay từ năm 1989 tại nước Cộng hòa Iakoutia thuộc Liên bang Nga, nằm ở rìa Siberi. Công viên này nằm trải dài trên 160 km2 thảo nguyên và rừng ở hạ lưu sông Kolyma, cách Tcherski khoảng 30 km về phía nam. Mục đích của dự án này nhằm tái tạo “hệ sinh thái thảo nguyên voi ma-mút”, loài vật trước kia từng hiện diện tại vùng Đông Bắc Siberi, Tây Âu, Canada và miền Bắc Trung Quốc.

Nhà sinh học người Nga dự định tạo ra một hệ sinh thái đặc trưng bởi các vùng thảo nguyên lạnh và khô được bao phủ bởi các loài thực vật nhấp nhô để làm nơi cư ngụ cho nhiều đàn động vật ăn cỏ như voi ma-mút, bò rừng, nai sừng tấm, tê giác, bò Tây Tạng, linh dương, bò xạ, ngựa, tuần lộc. Sau các loài động vật ăn cỏ, hay ít ra là các loài thú tồn tại đến ngày nay, tiếp đó sẽ là các loài thú săn mồi như chó sói, gấu, linh miêu, thậm chí cả hổ Siberi, cũng sẽ được nuôi trong công viên này.

Dự án của Sergei Zimov không phải là dự án duy nhất trên thế giới. Tại Mỹ, một nhóm các nhà nghiên cứu đứng đầu là Giáo sư Josh Dolan của Đại học Cornell đã triển khai một kế hoạch tương tự vào năm 2005. Theo tiết lộ của Josh Dolan trong một bài báo được đăng trên tạp chí Nature, mục đích của dự án này nhằm khuyến khích sự phát triển của các loài động vật có xương sống lớn ở vùng Bắc Mỹ.

Việc tái tạo hệ động vật thuộc kỷ Nhân sinh sẽ được thực hiện nhờ hàng loạt can thiệp về quản lý hệ sinh thái, bằng cách cho nuôi các loài có quan hệ gần gũi với các loài động vật có xương sống lớn thuộc kỷ Nhân sinh đã bị tuyệt chủng. Điều này sẽ làm thay đổi nguyên tắc bảo vệ thiên nhiên, như việc quản lý sự tuyệt chủng của các loài và tái tạo tích cực các quá trình tự nhiên. Ví dụ như nuôi trong vùng dự án loài ngựa lừa châu Á (một giống lừa hoang), ngựa Przewalski, lạc đà Turkestan, báo bờm, voi châu Á, voi châu Phi và sư tử. Công việc này sẽ phải kéo dài ít nhất một thế kỷ nhưng có thể tạo ra một hoặc nhiều công viên lịch sử sinh thái bao phủ toàn bộ vùng phía tây bang Midwest (Mỹ). Việc tái tạo hệ động vật kỷ Nhân sinh sẽ là một giải pháp lạc quan cứu các loài vật khỏi sự tuyệt chủng.

Dự án của Sergei Zimov còn có mục tiêu tham vọng hơn. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Science, ông giải thích rằng nếu được triển khai rộng rãi, ý tưởng của ông sẽ cho phép giảm hàng trăm gigaton (1 gigaton = 9 tỉ tấn) khí cácbon hiện vẫn còn nằm trong các vùng đóng băng thường xuyên. Do đó, nó có thể đẩy lùi hiệu ứng nhà kính. Theo ông, loài người có thể tránh được các hiệu ứng nhà kính bằng cách phục hồi các điều kiện tự nhiên của kỷ Nhân sinh. Các hệ sinh thái này có khả năng phản xạ những tia nắng mặt trời rất cao, giúp giảm sự nóng lên của trái đất. Ngoài ra, băng tuyết sẽ lâu tan hơn. Nói tóm lại, điều đó có nghĩa là việc tái sinh các hệ sinh thái xanh tồn tại trong kỷ Nhân sinh có thể làm giảm một vài tác động xấu của hiệu ứng nhà kính.

Còn việc tái sinh voi ma mút thì sao? Theo giáo sư Adrian Lister, chuyên gia nghiên cứu động vật có vú kỷ Nhân sinh tại Đại học London, các nhà khoa học Nga và Nhật đã dự định cho nhân giống vô tính voi ma mút bằng cách sử dụng các noãn lấy từ loài voi hiện nay kết hợp với ADN lấy từ các xác voi ma mút được tìm thấy trong các vùng đóng băng thường xuyên. Tuy nhiên, điều này có vẻ viễn tưởng bởi việc nhân giống này không thể thành công với các ADN “nghèo và rời rạc” hiện có. Tuy lạc quan nhưng ông Zimov tỏ ra rất thực tế: “Trong tương lai, có thể là trong hàng chục năm tới, nếu ai đó tái sinh thành công voi ma mút, Pleistocene Park sẽ là nơi tốt nhất để nuôi chúng”.

Nhà khoa học Nga không loại trừ rằng công viên này sẽ mở cửa đón khách du lịch mạo hiểm. “Chúng ta có thể tổ chức các cuộc đi săn ở đó, tuy nhiên mọi người chỉ được dùng các loại vũ khí bằng đá”, ông hài hước.

Theo ANTG
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video