Các nhà khoa học đã làm một công việc nguy hiểm nhưng rất cần thiết: Làm sống lại virus “cúm Tây Ban Nha” trong phòng thí nghiệm an toàn cao ở Mỹ.
Pháp tập trung trữ văcxin phòng cúm gia cầm |
Để hồi sinh nó, họ đã lên Alaska khai quật thi thể một phụ nữ chôn trong khu vực đó hồi tháng 11-1918.
Họ đã lấy các tế bào ở phổi để phân tích tìm ra mã di truyền của virus. Nhà nghiên cứu Terrence Tumpey, thuộc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Atlanta, cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện các thí nghiệm để hiểu đặc tính sinh học khiến cho virus năm 1918 có độc lực cao đến thế”.
Thật đáng sợ là virus “tái sinh” vẫn mạnh như ngày nào: giết chết chuột thí nghiệm chỉ trong vài ngày và diệt luôn cả phôi gà như loại H5N1 hiện nay.
Công trình nghiên cứu của họ công bố hôm qua trên tạp chí Khoa Học và Tự Nhiên đã đem lại những thông tin hữu ích cho việc nghiên cứu văcxin và phát triển các loại thuốc chống cúm cũng như theo dõi chu trình phát triển của các chủng virus cúm gia cầm.
Theo đó, một trong những gen liên quan đến tính “sát thủ” của virus cúm gia cầm là loại protein hemagglutinine (HA) trên bề mặt của virus. HA cho phép virus bám vào tế bào của cơ thể mà nó lây nhiễm.
Khi tìm được cơ chế hoạt động của HA thì người ta sẽ có thể ngăn chặn được nó. Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng có một số biến đổi giống nhau giữa chủng virus 1918 với virus H5N1 và H7N7.
Kết quả nghiên cứu này giống như một món quà chào mừng hội nghị chuyên về cúm gia cầm khai mạc hôm qua tại Washington. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các chuyên gia y tế và quan chức chính phủ của hơn 65 quốc gia cùng đại diện các tổ chức quốc tế đã có mặt tại hội nghị hai ngày này nhằm thảo luận phương cách phối hợp ngăn chặn dịch cúm một khi nó xảy ra.
Những hội nghị liên quan đến cúm gia cầm cũng sẽ được tổ chức liên tục trong thời gian tới: Cuối tháng mười này tại Úc cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong hai ngày 25 và 26-10 tại Canada và Tổ chức Y tế thế giới cũng tổ chức tại Geneva một hội nghị vận động quĩ tài chính trong hai ngày 7 và 8-11.
NGUYỄN QUÂN (Theo Reuters, AFP)