Tảng băng lớn bằng London ở "chiếc răng lung lay" tách khỏi Nam Cực

Các nhà khoa học cho biết việc Nam Cực mất đi mảng băng khổng lồ vừa qua không liên quan đến biến đổi khí hậu, nhưng hệ quả của quá trình này có thể tăng tốc tan băng.

Cơ quan Nam Cực Australia, trực thuộc Bộ Môi trường và Năng lượng Australia, cho biết tảng băng trôi vừa tách khỏi Nam Cực có chiều dài khoảng 50km và chiều rộng gần 30km. Tảng băng được đặt tên hiệu là D-28, có tổng diện tích đạt khoảng 1.636km2, theo Guardian.

Những nhà quan sát cho biết D-28 tách hoàn toàn khỏi thềm băng Amery, nằm ở phía đông của lục địa Nam Cực, từ ngày 26/9. Kích thước của tảng băng trôi tương đương với thủ đô London của nước Anh.

Thềm băng là một mảng băng lớn gắn liền với lục địa Nam Cực nhưng ăn ra biển. Độ dày các thềm băng thường dao động từ 50-600m, theo Trung tâm Tuyết và Băng Quốc gia Mỹ.


Mảng băng trôi D-28 được chương trình vệ tinh Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) phát hiện tách khỏi thềm băng Amery từ ngày 25/9. (Ảnh: Guardian).

Đây là hiện tượng băng vỡ lớn nhất từng được ghi nhận tại khu vực thềm băng Amery kể từ giai đoạn năm 1963-1964. Các nhà khoa học cho rằng vụ việc có thể không liên quan đến biến đổi khí hậu.

Hiện tượng xảy ra tại một khu vực được ví von như "chiếc răng lung lay" của Nam Cực. Giới quan sát từ lâu đã ghi nhận những kết nối thiếu chắc chắn tại thềm băng Amery. Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Nam Cực Australia, Viện Nghiên cứu Nam Cực và Hải dương, cùng với Viện Hải dương học Scripps đã hợp tác giám sát tình hình khu vực này trong suốt 20 năm.

Helen Amanda Fricker, giáo sư tại Viện Scripps, cho biết bà và các cộng sự lần đầu tiên phát hiện các vết nứt ở phía trước thềm băng vào đầu thập niên 2000. Giới khoa học vào thời điểm đó dự đoán một vụ vỡ băng quy mô lớn sẽ diễn ra trong giai đoạn năm 2010-2015.

"Tôi khá hào hứng khi qua nhiều năm cuối cùng đã được nhìn thấy vụ việc. Chúng tôi biết thế nào nó cũng xảy ra, nhưng tất cả đều phải hồi hộp chờ đợi vì không biết chính xác vị trí hiện tượng này xuất hiện", bà cho biết.

Amery là thềm băng lớn thứ 3 tại Nam Cực, nằm giữa hai trạm nghiên cứu của Australia là Davies và Mawson.


Vị trí thềm băng Amery ở phía đông của Nam Cực. (Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý (GRJ)).

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về những thềm băng Nam Cực kể từ thập niên 1960. Nhiều thiết bị đã được triển khai để nghiên cứu tác động của băng tan và nước biển.

"Vụ vỡ băng là một phần trong vòng đời bình thường của một thềm băng. Chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp chia tách quy mô lớn xảy ra theo chu kỳ mỗi 60-70 năm", Fricker nhận định.

Ben Galton-Fenzi, chuyên gia nghiên cứu về sông băng thuộc Cơ quan Nam Cực Australia, cho biết vụ chia tách tại Amery được phát hiện qua ảnh vệ tinh.

"Vụ việc sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến mực nước biển vì thật ra thềm băng vốn đang trôi trên mặt nước, giống như viên đá trong ly nước của bạn vậy", Galton-Fenzi cho biết.

"Điều cần tìm hiểu là liệu việc mất đi một diện tích băng như vậy có ảnh hưởng đến quá trình nước biển làm tan lượng băng còn lại dưới thềm băng và băng trôi khỏi lục địa sẽ diễn ra nhanh đến mức nào", ông nhấn mạnh.

Cập nhật: 03/10/2019 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video