Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, cùng với quá trình giảm thải các loại khí CFC phá hoại tầng ozon, chính gió khí quyển đã thúc đẩy sự phục hồi nhanh của tầng ozon bảo vệ sự sống trên Trái Đất nhanh hơn dự báo dựa trên những tính toán thuần túy toán học.
Theo các số liệu của NASA, mặc dù lỗ thủng tầng ozon trên bầu trời Nam cực vẫn không ngừng rộng ra và hiện đã tới 24 triệu km2, nhưng toàn bộ tầng ozon của Trái Đất đã ngừng suy giảm trong suốt 9 năm qua, sớm hơn rất nhiều so với những tính toán khoa học dựa theo tiến độ giảm các loại khí CFC phá hoại tầng ozon trong 20 năm qua.
Các nhà khoa học đã xác định sự phục hồi tầng ozon trên tầng thượng của tầng bình lưu của khí quyển có thể hoàn toàn nhờ vào việc giảm lượng khí CFC thải vào khí quyền.
Nhưng ở tầng hạ của tầng bình lưu, sự phục hồi của tầng ozon phụ thuộc vào các loại gió khí quyển lưu chuyển khí ozon, được tạo ra ở độ cao thấp trên khu vực xích đạo lên các khu vực ở vĩ độ cao hơn, là nơi khí ozon bị phá hoại.
Các mô hình máy tính đã khẳng định quá trình này và dự báo tầng ozon của Trái Đất sẽ được khôi phục lại mức như năm 1980 trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến năm 2070. Vào thời điểm này, lỗ thủng tầng ozon ở Nam cực cũng được lấp đầy.