Tạo điện chiếu sáng từ nước thải nhà vệ sinh

Dự án Tạo điện chiếu sáng từ nước thải nhà vệ sinh của 2 sinh viên ĐH Duy Tân, Đà Nẵng đạt giải nhất cuộc thi Giải pháp xanh cho thành phố.

Tận dụng nước thải từ hoạt động vệ sinh của con người để phát điện chiếu sáng nhà vệ sinh – Đây là dự án vừa đoạt giải nhất tại Vòng chung kết cuộc thi Giải pháp xanh cho thành phố - Go green in the city 2017.

Dự án có cái tên khá lạ tai: “Toilet mini generator” – “Máy phát điện mini và pin tạo điện từ nước tiểu”, là công trình nghiên cứu của Nguyễn Công Tín và Nguyễn Thị Thanh - sinh viên Đại học Duy Tân, Đà Nẵng dưới sự hướng dẫn của TS Trần Nhật Tân – Giảng viên nhà trường.

Theo khảo sát của hai bạn, hiện nay nhiều nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố có lượng người ra vào liên tục nhưng hệ thống chiếu sáng lại rất hạn chế, gây bất tiện cho người sử dụng, đặc biệt vào ban đêm.

Bên cạnh đó, lượng nước thải từ hoạt động vệ sinh của con người (chủ yếu là nước tiểu) lại khá lớn, trung bình mỗi nhà vệ sinh công cộng sử dụng lượng nước từ 8-9 m3/tháng, đối với hộ gia đình nhiều người có thể lên đến 15m3/tháng. Lượng nước thải này là nguồn năng lượng tiềm năng để chạy máy phát điện cỡ nhỏ.

“Việc tận dụng nguồn năng lượng này để thắp sáng đèn điện ngay tại chỗ sẽ tạo nên một hệ thống có tính tuần hoàn, tiết kiệm và thân thiện với môi trường”, Nguyễn Công Tín cho biết.


Tín và Thanh bên cạnh mô hình “Máy phát điện mini và pin tạo điện từ nước tiểu”.

Với ý tưởng lắp đặt một mô tơ và cánh quạt vào trong ống nước, mô tơ quay sẽ tạo ra dòng điện có thể dùng để thắp sáng trong nhà vệ sinh công cộng, hai bạn đã bắt tay thực hiện dự án dưới sự hỗ trợ của thầy cô và nhà trường.

Máy phát điện mini này có thể lắp ở nhiều loại vòi nước, bồn rửa tay,… và nhiều khu vực khác ngoài nhà vệ sinh. Máy sử dụng nước tiểu như một loại nguyên liệu chính để tạo điện.

Loại pin từ nước tiểu này hoạt động theo kiểu pin điện hóa, nguồn điện tạo ra từ đây sẽ được lưu trữ để thắp đèn chiếu sáng tại những địa điểm công cộng chưa có hệ thống đèn điện hoàn chỉnh.

Do nước tiểu là nguồn nguyên liệu thường xuyên tại các nhà vệ sinh, được thay mới liên tục nên người dùng không phải lo ngại về việc hết pin khi máy hoạt động.

Hiện tại, dự án vẫn đang tiếp tục được Tín và Thanh hoàn thiện trước khi triển khai rộng rãi. Hai bạn cũng hy vọng, sản phẩm sẽ được các thành phố lựa chọn triển khai trong tương lai gần.


Dự án “Toilet mini generator” đã giành giải nhất tại Cuộc thi Go green in the city 2017.

Theo đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi Go green in the city 2017, dự án là một giải pháp hợp lý để tiết kiệm năng lượng, thích hợp với xu thế phát triển xanh – sạch – đẹp ở các đô thị.

Sau khi giành giải nhất quốc gia tại cuộc thi Go green in the city 2017 tổ chức tại TP HCM, nhóm của Tín và Thanh sẽ là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tranh tài tại Go green in the city khu vực Đông Á, tổ chức trong tháng 7/2017.

Go green in the city là cuộc thi do Tập đoàn năng lượng toàn cầu Schneider Electric - có trụ sở đặt tại Rueil-Malmaison (Pháp) tổ chức. Đến nay, cuộc thi đã 7 lần được tổ chức với sự tham gia của hàng chục ngàn học sinh, sinh viên đến từ 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Mục tiêu của cuộc thi là tìm kiếm và phát triển những giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, sáng tạo tại các thành phố thông minh; giáo dục và xây dựng nhận thức cho thế hệ trẻ về sự cần thiết của quản lý năng lượng thông minh.

Cập nhật: 14/07/2017 Theo khampha
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video