Trừ phi có một cơn bão nhiệt đới xuất hiện, lúc 11 giờ 26 phút ngày thứ sáu 8.7 (22 giờ 26 phút giờ VN) sẽ là một trong những khoảnh khắc buồn bã nhất trong năm đối với người Mỹ. Đó là khi tàu con thoi Atlantis được phóng đi từ mũi Canaveral ở Florida.
Sau khi tàu Atlantis hoàn thành chuyến hành trình 12 ngày đến Trạm Vũ trụ quốc tế, sẽ không còn ai được chứng kiến thêm một vụ phóng tàu con thoi. Chuyến bay cuối cùng của chương trình tàu con thoi sẽ khép lại một thời kỳ thống trị của Mỹ trong việc khám phá vũ trụ.
Tàu con thoi Atlantis được đưa và bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida - Ảnh: AFP
Con tàu do bốn phi hành gia người Mỹ lái sẽ vận chuyển 3,6 tấn hàng dự trữ lên trạm vũ trụ và mang về một máy bơm ammoniac bị hỏng, theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Khoảng 1 triệu người dự kiến sẽ đổ ra dọc bờ biển Đại Tây Dương ở Florida để đón xem lần phóng tàu con thoi thứ 135 và cũng là lần cuối cùng, theo giới chức địa phương.
“Tàu con thoi đã mang lại rất nhiều điều tốt đẹp cho đất nước. Đó là một con tàu phi thường và rất khó để chia tay”, phi hành gia nghỉ hưu của NASA Mark Kelly, người vừa chỉ huy chuyến bay cuối cùng của tàu Endeavour vào tháng 5 thổ lộ.
Vào thứ sáu tuần trước, Kelly và Giám đốc NASA Charles Bolden đã phát biểu với báo giới ở Washington về những ký ức của họ với chương trình tàu con thoi và những gì chờ đợi phía trước khi nhiệm vụ xây dựng các con tàu vũ trụ thế hệ mới được giao cho các công ty tư nhân.
“Một vài người bạn thân nhất của tôi đã chết khi bay trên tàu con thoi và tôi không định để các chuyến bay vào vũ trụ của con người biến mất trong thời gian đảm nhiệm chức vụ của mình”, ông Bolden rướm nước mắt nói khi nhớ về 14 người thiệt mạng trong hai thảm họa Challenger và Columbia.
Tàu Challenger đã nổ tung chỉ 73 giây sau khi được phóng vào năm 1986 và tàu Columbia đã vỡ thành từng mảnh khi trở về trái đất vào năm 2003.
“Chúng tôi sẽ không chấm dứt các chuyến bay vào vũ trụ của con người. Chúng tôi sẽ thực hiện những bước đi khó khăn và cần thiết để bảo đảm sự vượt trội của nước Mỹ trong chương trình khai phá không gian trong nhiều năm tới”, Bolden nói tiếp.
Tàu con thoi đã chuyên chở số lượng lớn các thiết bị lên phòng thí nghiệm vũ trụ và quay về nhiều lần trong 30 năm qua, tạo nên điều được Bolden gọi là “đỉnh cao của những thành tựu hiện tại của chúng ta, một bàn đạp cho phần còn lại của Thái Dương Hệ và sự tiên đoán về điều gì sẽ xảy đến”.
Phi hành đoàn của tàu Atlantis, từ trái sang phải, chỉ huy Chris Ferguson, phi công Doug Hurley, hai chuyên gia Sandy Magnus và Rex Walheim - Ảnh: AFP
Một khi chương trình tàu con thoi kết thúc, các phi hành gia trên thế giới sẽ phải đi nhờ tàu vũ trụ của Nga với chi phí 51 triệu USD cho mỗi chỗ ngồi.
Trong khi đó, người ta vẫn chưa xác định được con tàu kế nhiệm tàu con thoi. Vài công ty tư nhân đang cạnh tranh xây dựng một con tàu vũ trụ hiệu quả hơn để mang các phi hành gia trở lại không gian, song chắc chắn điều này sẽ không xảy ra trong vài năm tới.
NASA cũng đang để mắt đến việc khám phá sao Hỏa và một tiểu hành tinh trong vài thập kỷ tới.
Nhóm phi hành gia bốn người của tàu Atlantis có số lượng ít hơn thường lệ vì NASA không còn con tàu hoạt động nào để phục vụ như tàu cứu hộ khi cần.
Bốn phi hành gia này đều từng bay vào không gian trong quá khứ. Chỉ huy của nhóm là Đại úy hải quân giải ngũ Chris Ferguson, 49 tuổi; phi công là Doug Hurley, 44 tuổi; cùng hai chuyên gia Sandra Magnus, 46 tuổi, và Rex Walheim, 48 tuổi.
Khi trở về trái đất, tàu Atlantis sẽ nằm tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy để phục vụ khách tham quan trong khi những con tàu khác được gửi đến các viện bảo tàng ở nước Mỹ.
“Bằng một cách nào đó, tôi nghĩ con tàu sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người”, Walheim nói.