Tàu ngầm chở du khách thám hiểm xác tàu Titanic mất tích

Các đội cứu nạn đang chạy đua với thời gian để tìm ra chiếc tàu ngầm du lịch mất tích khi thám hiểm xác tàu Titanic ở Bắc Đại Tây Dương hôm 19/6, theo Guardian.

"Một chiếc tàu ngầm nhỏ chở theo 5 người đã mất tích ở khu vực gần xác tàu Titanic. Chiếc tàu ngầm này có khả năng chạy dưới nước trong 96 giờ. Chúng tôi không rõ chiếc tàu ngầm này vẫn đang ở dưới đáy biển hay đã nổi lên do mất liên lạc" lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết.

Công ty OceanGate Expeditions cho hay trong một tuyên bố ngắn gọn ngày 19/6 rằng họ đang "huy động tất cả các lựa chọn" để giải cứu những người trên tàu, có tên Titan.


Tàu ngầm Titan, có vỏ làm từ hỗn hợp sợi carbon và titan, được vận hành bởi công ty du lịch OceanGate cho các chuyến đi đến khu vực xác tàu Titanic. (Ảnh: OceanGate).

Tuy chiếc tàu ngầm được tuyên bố mất tích vào hôm 19/6, phương tiện này đã mất liên lạc với mặt đất sau 1 giờ 45 phút kể từ khi bắt đầu chuyến hành trình vào chiều 18/6.

Một nhà thám hiểm người Anh, một cựu binh và chuyên gia tàu ngầm người Pháp nằm trong số 5 hành khách trên phương tiện này.

Phát biểu tại cuộc họp báo vào đêm 19/6, chuẩn đô đốc John Mauger - người lãnh đạo quá trình cứu nạn - cho biết các lực lượng khẩn cấp "đang làm mọi thứ có thể" để tìm ra tàu Titan và các hành khách.

Các tàu, máy bay của Mỹ và Canada đang tích cực hoạt động tại vùng biển cách Cape Cod khoảng 1.450km về phía đông, thả phao quét sóng âm - có khả năng theo dõi các vật thể ở độ sâu gần 4.000m.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ nhận định quá trình tìm kiếm "rất phức tạp" do không biết chiếc tàu ngầm đã nổi lên mặt biển hay chưa, buộc các lực lượng chức năng phải giám sát mặt biển cho đến cả khu vực có độ sâu lên tới gần 3.900m.

"Chúng tôi đang cố gắng tận dụng mọi giây phút trong khoảng thời gian 96 giờ. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là tìm thấy 5 hành khách trên con tàu", chuẩn đô đốc Mauger phát biểu.

Trả lời AP, David Concannon - cố vấn của OceanGate - cho biết nguồn dự trữ oxy kéo dài 96 giờ bắt đầu được sử dụng khi con tàu lặn xuống biển vào lúc 6h hôm 18/6.

Cũng theo ông, các quan chức đang làm việc để triển khai một chiếc tàu ngầm tự động - có khả năng lặn xuống độ sâu 6.000m - nhằm phục vụ công tác tìm kiếm.

OceanGate Expeditions, công ty sở hữu tàu Titan, đã thực hiện các chuyến du lịch thám hiểm xác tàu Titanic ở khu vực cách bờ biển tỉnh Newfoundland (Canada) khoảng 595 km kể từ năm 2021.

Công ty này đang thực hiện "sứ mệnh" Titanic thứ năm trong năm 2023, được lên kế hoạch bắt đầu vào tuần trước và dự kiến kết thúc vào ngày 22/6.

Để tham quan xác tàu Titanic, hành khách vào bên trong Titan, tàu lặn dành cho 5 người.

Chuyến thám hiểm có chi phí 250.000 USD/người, khởi hành ở thành phố St.John's, thủ phủ của tỉnh bang Newfoundland và Labrador (Canada), trước khi đi khoảng 643 km vào Đại Tây Dương đến địa điểm xác tàu Titanic.

Một trong số những người có mặt trên Titan là Paul Henry Nargeolet, cựu trung tá hải quân Pháp và chuyên gia về điều khiển tàu ngầm.

Là một chuyên gia về xác tàu Titanic, ông Nargeolet được cho là người điểu khiển Titan khi con tàu mất liên lạc. Vị cựu sĩ quan hải quân này đã chỉ huy nhiều chuyến thám hiểm đến khu vực xác tàu Titanic và thu thập hơn 5.000 hiện vật từ khu vực này, bao gồm một mảnh vỏ tàu nặng 20 tấn.

"Mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là hành khách trên con tàu cùng gia đình của họ. Chúng tôi cũng cảm ơn sự hỗ trợ của chính phủ nhiều quốc gia và các công ty thám hiểm đại dương trong quá trình thiết lập liên lạc với Titan", OceanGate cho biết vào hôm 19/6.

Cập nhật: 20/06/2023 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video