Tàu thám hiểm của NASA lần đầu tiên tạo ra oxy trên sao Hỏa

Ngày 21/4, Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết, tàu thám hiểm Perseverance đã làm nên lịch sử khi tàu đã thử nghiệm chuyển đổi thành công khí carbon dioxide từ khí quyển sao Hỏa thành oxy.

Theo ông Jim Reuter, Phó Giám đốc Sứ mệnh Công nghệ Vũ trụ của NASA, đây là bước đầu tiên quan trọng trong việc chuyển đổi carbon dioxide thành oxy. Thí nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ trên sao Hỏa, gọi tắt là MOXIE. Đây là một chiếc hộp vàng có kích thước bằng pin ô tô và được đặt bên trong phía trước bên phải của tàu đổ bộ.


Tàu thám hiểm Perseverance của NASA. (Ảnh: NASA).

Được mệnh danh là "cây cơ học", MOXIE sử dụng điện và hóa học để phân chia các phân tử carbon dioxide, được tạo thành từ 1 nguyên tử carbon và hai nguyên tử oxy. Thiết bị cũng tạo ra phụ phẩm carbon monoxide. Trong lần chạy đầu tiên, MOXIE đã tạo ra 5 gram oxy, tương đương với khoảng 10 phút thở oxy cho 1 phi hành gia thực hiện các hoạt động bình thường.

Ông Reuter bổ sung: "Vẫn còn nhiều việc phải làm đối với MOXIE nhưng kết quả từ cuộc trình diễn công nghệ này là đầy hứa hẹn khi chúng tôi tiến tới mục tiêu một ngày nào đó nhìn thấy con người trên sao Hỏa".

Nhóm thực hành thí nghiệm MOXIE đã làm ấm thiết bị trong 2 tiếng, sau đó cho thiết bị sản xuất oxy trong 1 giờ. Các quan chức NASA cho biết, MOXIE tạo ra 5,4 gram oxy trong khoảng thời gian đó, đủ để giúp 1 phi hành gia có thể thở dễ dàng trong khoảng thời gian 10 phút. MOXIE có thể đạt được đến mức 10 gram oxy mỗi giờ, vì nhóm nghiên cứu có kế hoạch thực hiện thêm khoảng 9 lần chạy nữa trong suốt 1 năm sao Hỏa (khoảng 687 ngày Trái đất).

Kỹ sư Michael Hecht của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) khẳng định, phiên bản MOXIE nặng 1 tấn có thể tạo ra khoảng 25 tấn oxy cần thiết cho một tên lửa có thể cất cánh từ sao Hỏa. Sản xuất oxy từ bầu khí quyển 96% carbon dioxide của sao Hỏa có thể là một lựa chọn khả thi hơn so với việc chiết xuất băng từ dưới bề mặt rồi điện phân để tạo ra oxy.

Theo các quan chức NASA, các thử nghiệm này sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là kiểm tra và xác định đặc điểm của thiết bị. Giai đoạn thứ 2 sẽ đánh giá hiệu suất của MOXIE trong các điều kiện khí quyển khác nhau. Trong giai đoạn thứ 3 và là giai đoạn cuối, "chúng tôi sẽ đẩy bầu khí và việc này có thể liên quan đến thử nghiệm các chế độ hoạt động mới để so sánh các hoạt động ở ba hoặc nhiều nhiệt độ khác nhau", TS Michael Hecht, nghiên cứu viên chính của MOXIE tại đài quan sát Haystack của MIT, tiết lộ.


Các kỹ thuật viên của phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA đang hạ thiết bị thí nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ trên sao Hỏa (MOXIE) vào phần bụng của tàu thám hiểm Perseverance. (Ảnh: NASA).

Trước đó, tàu thám hiểm Perseverance đã đáp xuống sao Hỏa từ ngày 18/2/2021 để thực hiện sứ mệnh tìm kiếm các dấu hiệu cho sự sống của vi sinh vật. Ngày 19/4/2021, máy bay trực thăng mini Ingenuity trị giá 85 triệu USD của tàu Perseverance đã làm nên lịch sử khi bay thành công từ bề mặt của sao Hỏa vào lớp không khí loãng của hành tinh Đỏ.

Trực thăng Ingenuity đã đánh dấu chuyến bay đầu tiên thành công trên một hành tinh khác ngoài Trái đất. Cánh quạt của trực thăng Ingenuity quay với tốc độ hơn 2.500 vòng/phút và cất cánh từ miệng núi lửa Jezero trên bề mặt sao Hỏa lúc 3h30 sáng 19/4, theo múi giờ miền Đông EDT, tức 14h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam.

Cập nhật: 22/04/2021 Theo Phunuvietnam
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video