Tàu vũ trụ 3,3 tỷ USD của NASA chôn xác trên sao Thổ

Tàu vũ trụ Cassini kết thúc hành trình tự sát trên sao Thổ, chấm dứt hoàn toàn mọi liên lạc với Trái Đất sau sứ mệnh kéo dài 20 năm.

Các kiểm soát viên NASA lệnh cho tàu Cassini tự sát bằng cách lao xuyên qua khí quyển sao Thổ, theo BBC. Con tàu sống sót trong khoảng một phút trước khi vỡ tan. Tàu Cassini đã cạn kiệt nhiên liệu và NASA quyết định hủy diệt hoàn toàn con tàu để tránh lây nhiễm vi khuẩn Trái Đất sang hai mặt trăng có thể tồn tại sự sống của sao Thổ là Titan và Enceladus.

Tại phòng kiểm soát sứ mệnh thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA tại Pasadena, California, tàu Cassini mất liên lạc hoàn toàn với Trái Đất vào lúc 18h55.


Tàu Cassini thực hiện nhiệm vụ tự sát trên sao Thổ. (Ảnh: NASA).

"Chúc mừng tất cả các bạn. Đây là một sứ mệnh tuyệt vời, một chiếc tàu vũ trụ tuyệt vời và tất cả các bạn là một đội tuyệt vời. Tôi tuyên bố sứ mệnh đã kết thúc", tiến sĩ Earl Maize, quản lý dự án Cassini, nói với các đồng nghiệp. Tuyên bố của Maize được hưởng ứng bằng tràng vỗ tay và những chiếc ôm an ủi.

Trong khoảng 60 giây, Cassini sử dụng lượng nhiên liệu cuối cùng để đốt cháy động cơ đẩy, lao vào tầng khí quyển trên cùng của sao Thổ. Sau khi nhận "nụ hôn tạm biệt" từ mặt trăng Titan ngày 11/9, một cú huých trọng lực để đẩy con tàu theo đúng quỹ đạo, Cassini lao xuống sao Thổ lần cuối với tốc độ khoảng 120.700km/h, bốc cháy giữa những đám mây trên tầng khí quyển. Trong suốt hành trình lao xuống, Cassini vẫn cố gắng hướng ăngten về phía Trái Đất, truyền về những dữ liệu khoa học quý giá trước khi khoảnh khắc định mệnh đến.

Việc mất tín hiệu chỉ ra tàu thăm dò đã lộn nhào mất kiểm soát trong khí quyển sao Thổ. Nó không thể tồn tại quá 45 giây trước khi bị xé toạc thành nhiều mảnh vụn, chấm dứt một trong những sứ mệnh vũ trụ thành công nhất trong lịch sử.

"Đây là một khoảnh khắc lịch sử. Tôi nghĩ tâm trạng của tất cả mọi người đã phản ánh điều đó, thời khắc kỷ niệm của một sứ mệnh kỳ diệu, một huyền thoại vĩ đại", Morgan Cable, nhà khoa học tại JPL xúc động nói.


Tiến sĩ Earl Maize tuyên bố chính thức kết thúc sứ mệnh Cassini. (Video: Twitter).

Trong 13 năm bay quanh sao Thổ, Cassini đã làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về hành tinh thứ sáu trong hệ Mặt Trời. Con tàu đã theo dõi những cơn bão quái vật càn quét hành tinh, chứng kiến những hạt băng bay xen kẽ xuyên qua hệ thống vành đai và khám phá khả năng tồn tại sự sống của các mặt trăng sao Thổ.

Titan và Enceladus là hai phát hiện nổi bật. Titan là một thiên thể kỳ lạ với cơn mưa methane trút xuống từ bầu trời màu cam và đổ vào những hồ chứa khổng lồ. Cassini thả một robot nhỏ tên Huygens xuống bề mặt Titan năm 2005. Thiết bị truyền về hình ảnh đặc biệt chụp những viên sỏi có bề mặt trơn nhẵn do dòng chảy methane bào mòn. Cassini cũng theo dõi vật thể được cho là những ngọn núi lửa phun ra băng mềm và những đụn cát rộng lớn trên bề mặt Titan.

Các quan sát trên mặt trăng Enceladus cũng gây bất ngờ không kém. Mặt trăng này phun ra hơi nước từ những kẽ nứt ở cực nam. Nước được cho đến từ một đại dương ngầm nằm bên dưới lớp vỏ băng của Enceladus. Khi Cassini bay qua những cột nước, con tàu cho thấy những điều kiện của đại dương ngầm rất phù hợp cho sự sống phát triển.

Cập nhật: 16/09/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video