Tàu vũ trụ của NASA sắp tái hiện cảnh quay đắt giá trong phim The Martian?

Cách thức được sử dụng với con tàu Lucy khiến người hâm mộ điện ảnh nhớ tới bộ phim viễn tưởng The Martian (Người về từ Sao Hỏa).

Lợi dụng trọng lực Trái đất

Vào lúc 18h04 tối nay (16/10) theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ Lucy của NASA sẽ thực hiện sứ mệnh đầu tiên lợi dụng trọng lực từ Trái đất để tiến tới các thiên thể Troia của Sao Mộc.


Tàu vũ trụ Lucy sẽ lợi dụng trọng lực Trái đất để tiếp tục sứ mệnh. (Ảnh: NASA).

Trong lộ trình được xác định sẵn, tàu sẽ lướt qua bầu khí quyển của Trái đất.

Lúc này, tàu sẽ chịu một phần trọng lực từ Trái đất, khiến nó đổi hướng và có thêm được một phần năng lượng quỹ đạo cần thiết để tiếp tục hành trình.

Theo Trung tâm bay không gian Goddard của NASA, cách thức này sẽ làm tăng vận tốc của tàu lên, góp phần đưa Lucy đi đúng hướng và đạt được tiến độ như mong muốn.

Tàu cũng sẽ quay trở lại Trái đất để tiếp tục hỗ trợ trọng lực lần thứ hai vào tháng 12/2024.


Mô phỏng chuyến bay trong sứ mệnh của con tàu Lucy. (Ảnh: NASA).

Cách thức được sử dụng trong sứ mệnh của con tàu Lucy khiến người hâm mộ điện ảnh nhớ lại bộ phim viễn tưởng The Martian (Người về từ Sao Hỏa), xây dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Andy Weir và công chiếu năm 2015.

Trong bộ phim này, người xem đã cảm nhận được yếu tố "khoa học" khi con tàu Hermes lợi dụng trọng lực của Trái đất để quay trở lại Sao Hỏa một lần nữa. Kế hoạch đầy mạo hiểm rốt cuộc đã giúp cho phi hành đoàn cứu được thành viên Watney sau khi anh chàng này gặp tai nạn, và bị bỏ lại một mình trên Sao Hỏa.

Dẫu vậy, phương pháp này cho đến nay mới được NASA thực hiện, do có khá nhiều rủi ro, cũng như bị đặt dấu hỏi về tính hiệu quả thực tế mà nó mang lại.


Tại thời điểm thực hiện "cú bẻ lái", Lucy sẽ ở gần Trái đất hơn cả Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, cũng như kính thiên văn Hubble. (Ảnh: NASA).

Không "dễ" như trong phim

Bên cạnh những thuật toán và hướng bay nhằm tối ưu hóa trọng lực Trái đất, các kỹ sư của NASA sẽ liên tục theo dõi chặt chẽ tàu Lucy bởi xung quanh nó là hàng ngàn vật thể trôi nổi trong không gian.

Theo ước tính, sẽ có khoảng 47.000 vệ tinh, mảnh vỡ, và các vật thể không xác định di chuyển xung quanh hành tinh của chúng ta.

Mặc dù ít có khả năng tàu Lucy va phải một trong những vật thể này (rủi ro ước tính chỉ là 1/10.000), song không loại trừ khả năng các kỹ sư của NASA vẫn phải can thiệp để giúp tàu đạt được lộ trình an toàn.


Tàu Lucy sẽ phải "xuyên qua" hàng chục ngàn vật thể bay ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Đây là một thử thách cần sự can thiệp liên tục và kịp thời từ NASA để đảm bảo chuyến bay an toàn (Ảnh: NASA).

Được biết, NASA có sẵn các quy trình để lường trước bất kỳ vụ va chạm nào có thể xảy ra và nếu cần, họ sẽ thực hiện một thao tác nhỏ để tránh va chạm. Cơ chế điều chỉnh quỹ đạo này sẽ chỉ làm thay đổi thời gian tiếp cận của tàu từ 2 - 4 giây, nhưng điều đó là đủ để tránh một vụ va chạm thảm khốc.

"Quỹ đạo Trái đất tầm thấp ngày càng đông đúc hơn. Đó là một phần của sự rắc rối, đặc biệt là đối với các sứ mệnh bay thấp như Lucy", TS. Dolan Highsmith của Trung tâm bay không gian Goddard cho biết.

Trước đó, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cũng từng nhiều lần phải di chuyển khỏi đường bay để né tránh các vật thể ngoài không gian.

Cập nhật: 17/10/2022 Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video