Tàu vũ trụ Nhật Bản đem mẫu vật tiểu hành tinh về Trái đất

Khoang tàu nhỏ chứa những mảnh nguyên thủy của tiểu hành tinh Ryugu tiếp đất vào chiều ngày 5/12 ở vùng hẻo của Australia.

Khoang tàu quý giá rơi xuống cách thủ phủ Adelaide của Nam Australia khoảng 500 km về phía tây bắc. Tàu Hayabusa2 của Nhật Bản kéo mẫu vật qua hàng triệu km sau khi nghiên cứu tiểu hành tinh Ryugu rộng 900 m ở khoảng cách gần từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2019.

Phiên bản tiền nhiệm của Hayabusa2 là tàu vũ trụ đầu tiên kéo mẫu vật đá ngoài hành tinh về Trái đất, vận chuyển những mảnh nhỏ của tiểu hành tinh đá Itokawa năm 2010. Nhưng tàu Hayabusa chỉ thu được chưa tới một miligram vật chất. Mục tiêu của tàu Hayabusa2 là 100 mg và mẫu vật đến từ một loại tiểu hành tinh khác hẳn. Đó là một thiên thạch loại C nguyên thủy chứa nhiều nước và hợp chất hữu cơ carbon.


Tàu Hayabusa2 thả mẫu vật xuống Trái đất và tiếp tục hành trình. (Ảnh: JAXA).

"Đó là những vật chất hình thành Trái đất, đại dương và sự sống tồn tại trong đám mây nguyên thủy mà từ đó, hệ Mặt Trời ra đời. Trong hệ Mặt Trời thuở sơ khai, các vật chất tiếp xúc và tương tác hóa học với thiên thể mẹ", Cơ quan Khám phá Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết. "Những tương tác này vẫn tồn tại tới ngày nay trong thiên thể nguyên thủy như tiểu hành tinh loại C, do đó đưa mẫu vật về để phân tích sẽ làm sáng tỏ nguồn gốc và quá trình tiến hóa của hệ Mặt Trời cũng như các khối xây dựng sự sống".

Mang mẫu vật về Trái đất có ý nghĩa quan trọng. Các nhà khoa học ở những phòng thí nghiệm trang bị tiên tiến trên khắp thế giới có thể kiểm tra mẫu đá ngoài hành tinh chi tiết hơn nhiều so với quan sát trên Hayabusa2, hay từ tàu thăm dò. Độ tinh khiết của mẫu vật mang về cũng là một yếu tố chủ chốt. Giới nghiên cứu đã tiếp cận nhiều thiên thạch, nhưng mẫu vật tiểu hành tinh loại này chịu ảnh hưởng đặc biệt từ hành trình của chúng qua khí quyển Trái đất và thời gian ở trên bề mặt Trái đất.

Tàu vũ trụ Hayabusa2 nặng 690 kg phóng vào tháng 12/2014 và gặp tiểu hành tinh Ryugu gồ ghề vào ngày 27/6/2018. Hayabusa2 đã quan sát chi tiết Ryugu và triển khai nhiều tàu thăm dò mini trên bề mặt tiểu hành tinh. Đó là những robot tự hành biết nhảy và trạm đổ bộ lớn cỡ lò vi sóng mang tên MASCOT (Mobile Asteroid Surface Scout), do Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (GAC) hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES) cung cấp.

Tàu vũ trụ Hayabusa2 đã thực hiện hai chuyến bay đổ bộ bề mặt Ryugu để lấy mẫu vật. Trong lần bay đầu tiên vào tháng 2/2019, Hayabusa2 lấy một số mẫu vật bề mặt. Vào tháng 4 cùng năm, tàu vũ trụ bắn một viên đạn đồng nặng 2,5 kg vào Ryugu, tạo ra miệng hố rộng 10 m trên bề mặt tiểu hành tinh. Hayabusa2 giữ hai mẫu vật riêng biệt, nhờ đó các nhà khoa học có thể so sánh vật chất trong hai môi trường khác nhau là bề mặt chịu nhiều bức xạ vũ trụ của Ryugu và sâu bên dưới tiểu hành tinh. JAXA quyết định kéo dài nhiệm vụ cho Hayabusa2. Con tàu sẽ bay tới tiểu hành tinh nhỏ khác là (98943) 2001 CC21 vào năm 2026 và gặp thiên thạch 1998 KY26 năm 2031.

Khoang tàu chứa mẫu vật không có hệ thống đẩy riêng tiếp tục lao qua khí quyển Trái đất. Nó tiếp xúc với khí quyển vào 0h28 hôm 6/12 theo giờ Hà Nội ở tốc độ 43.190 km/h. Con tàu nhỏ bung dù sau vài phút khi cách mặt đất khoảng 10 km và hạ cánh lúc 0h47 ngày 6/12, theo JAXA. Đội thu hồi mẫu vật sử dụng trực thăng để tìm kiếm khoang chứa và phát hiện nó vào 2h47 ngày 6/12.

Sau khi kiểm tra khoang tàu, các nhân viên Hayabusa2 sẽ chuyển mẫu vật tới Trung tâm bảo quản mẫu vật ngoài hành tinh của JAXA. Một số mẫu vật Ryugu sẽ được chuyển tới các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, nơi những nhà khoa học sẽ nghiên cứu manh mối về thuở sơ khai của hệ Mặt Trời và quá trình hình thành sự sống trên Trái đất.

Cập nhật: 07/12/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video