Tây Phi vật lộn kiểm soát dịch Ebola

Đợt bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử hiện nay đang buộc Liberia phải đóng cửa phần lớn biên giới nước này. Trong khi đó, các chính phủ ở nhiều quốc gia Tây Phi đang chật vật ngăn chặn sự lây lan của Ebola, loại virus cực kỳ nguy hiểm, không có vắc-xin phòng ngừa và hiện cũng vô phương cứu chữa.

Đóng cửa biên giới quốc gia vì một căn bệnh truyền nhiễm là động thái hiếm khi xảy ra, nhưng nó cho thấy mức độ quan ngại nghiêm trọng của chính phủ và các quan chức y tế khi đợt bùng phát dịch chết người đã ngày càng nghiêm trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, virus Ebola đã gây bệnh cho ít nhất 1.200 người và cướp đi sinh mạng của 672 nạn nhân.

Liberia đã có động thái quyết liệt tiếp sau cái chết của một trong những vị bác sĩ hàng đầu của nước này hồi cuối tuần trước, cũng như trước những thông tin rằng 2 nhân viên y tế Mỹ đang làm việc ở Liberia đã bị nhiễm bệnh.


Ảnh: aljazeera.com

Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã ra lệnh, việc lưu thông xuyên biên giới chỉ được diễn ra ở một vài cửa khẩu nhất định, nơi nhà chức trách có thể theo dõi và xét nghiệm virus Ebola. Các sân bay vẫn mở cửa nhưng hành khách sẽ trải qua các thủ tục soi kiểm nghiêm ngặt tương tự. Arik Air, hãng hàng không lớn nhất Tây Phi, đã hủy các chuyến bay tới Liberia từ cuối tuần trước vì e sợ dịch.

Nữ Tổng thống Liberia cũng cấm tụ tập đám đông, chẳng hạn như biểu tình, tuần hành. Bà cũng đang cân nhắc cách ly một số khu dân cư nhất định ở khu vực thành thị, theo tiết lộ của trợ lý Bộ trưởng Y tế Liberia.

Các diễn biến phức tạp đã buộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh dịch của Mỹ (CDC) ở Atlanta hôm 28/7 phải đưa ra cảnh báo y tế, khuyến nghị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của nước này giám sát những bệnh nhân từng đi tới Tây Phi mới đây và có các biểu hiện giống nhiễm Ebola, kể cả sốt, đau đầu và tiêu chảy.

CDC cũng đưa ra khuyến cáo du lịch mức 2, đề nghị các du khách tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người nhiễm virus. Khuyến cáo này thấp hơn một mức so với đề xuất tránh các chuyến đi không cần thiết tới những nước có dịch. Tuy nhiên, CDC nhấn mạnh, hiện ít có nguy cơ dịch Ebola sẽ lan tới Mỹ.

Dịch Ebola bắt đầu bùng phát ở nam Guinea hồi tháng 2, rồi lan tới Liberia và Sierra Leone. Cho tới thời điểm hiện tại, đây là căn bệnh giết người nguy hiểm nhất thế giới do không có vắc-xin phòng ngừa và hiện cũng vô phương cứu chữa.

Bệnh do virus Ebola xuất hiện lần đầu tiên ở Congo năm 1976. Virus Ebola có khả năng gây tử vong tới 90% người mắc phải. Dẫu vậy, các bệnh nhân sẽ có cơ hội sống sót lớn hơn nếu được chữa trị sớm.

Bệnh lây lan chủ yếu do việc tiếp xúc với các dịch tiết trong cơ thể của người hoặc động vật nhiễm virus. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng 2-21 ngày.

Bệnh khởi phát ở người với các triệu chứng không đặc hiệu, như sốt, đau đớn, khó chịu,… dễ bị nhầm với các bệnh virus khác. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc thù của bệnh là mất dịch, biểu hiện qua việc tiêu chảy, nôn, xuất huyết hay khạc ra máu (lí do khiến bệnh còn được gọi là bệnh xuất huyết Ebola). Bệnh nhân cũng có thể bị nổi ban, mắt đỏ và nấc.

Một số bệnh nhân có thể hồi phục, trong khi một số khác không thể qua khỏi. Đây vẫn là một điều chưa được các nhà lâm sàng giải thích cặn kẽ. Chẩn đoán bệnh trong giai đoạn sớm thường là khó, nhưng khi đã nghi ngờ nhiễm virus Ebola thì việc thực hiện các biện pháp cách ly hợp lý là rất cần thiết.

 

Theo Vietnamnet, WSJ, BBC
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video