Tế bào gốc và lập trường của Giáo hội

Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng

DẪN NHẬP:

Gần đây, phương tiện truyền thông đại chúng và báo chí đã cho đăng tải và phổ biến cách rộng rãi về những kết quả nghiên cứu của tế bào gốc (Stem Cells), đặc biệt là các ứng dụng và hiệu quả của việc sử dụng các tế bào gốc trong các phương pháp trị liệu. Có thể nói đây là một bước tiến nhảy vọt trong nghành y-sinh học vào đầu thế kỷ thứ 21. Nếu quả thực đúng như những dự đoán và tiên liệu của các chuyên gia nghiên cứu, thì đây là một khám phá hết sức mới mẻ và cực kỳ quan trọng đối với nền văn minh của con người, cụ thể nhất là trong lĩnh vực nghành y.

Tuy nhiên, vấn đề nêu trên còn là một sự kiện tương đối quá mới mẻ so với đại chúng. Hầu hết giới bình dân, nếu có được nghe qua thì cũng không thể nắm bắt và thông hiểu tường tận. Điều này có nhiều nguyên nhân gây ra.

Tế bào gốc đang được nuôi dưỡng

Trước tiên, việc nghiên cứu tế bào gốc chỉ được bắt đầu từ năm 1998, điều này bắt nguồn từ sự hiểu biết về chức năng của các tế bào gốc hiện diện ở phôi bào (blastocyst – là phôi đã được hình thành khoảng từ 5-6 ngày, sau khi trứng thụ tinh), trước khi chúng biệt-phân (biệt hóa và phân biệt – differentiation), và do đó có tiềm năng để trở thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể con người. Sự hiểu biết sâu sắc ấy đã dẫn đưa các chuyên gia ra sức nghiên cứu để làm sao có thể tách biệt các tế bào gốc này ra khỏi phôi bào nhằm cô lập và nuôi dưỡng chúng trong các môi trường thuận lợi, để các tế bào gốc ấy có thể gia tăng sinh sản thêm nhiều các tế bào giống như vậy. Sau đó các chuyên gia nghiên cứu sẽ vận dụng y-thuật, ví dụ như việc kích thích các tế bào, để các tế bào này tự nó sẽ phát triển và biến thành các mô (tissues) riêng biệt, chẳng hạn như các cơ trong bắp thịt, dây thần kinh, hoặc các tế bào tuỵ.

Những tế bào chuyên biệt này, sau đó được đem cấy với mục đích nhằm chữa trị hoặc thay thế các mô đã bị hỏng. Các chuyên gia nghiên cứu đã dùng tế bào gốc của loài động vật để thử nghiệm, đặc biệt là của loài chuột, và nay họ đang thí nghiệm trên con người.

Như đã được đề cập ở trên, việc nghiên cứu trong cách thức sử dụng tế bào gốc cho các phương pháp trị liệu những căn bệnh nan y mà từ xưa đến nay, hầu hết các y sĩ đều bó tay chịu trận, thì nay đã có khả năng và triển vọng trở thành một hiện thực, tuy còn nhiều thử thách. Tuy nhiên, điều ấy theo như ước đoán của các nhà chuyên môn thì có rất nhiều tiềm năng và việc ấy được coi như là khả thi.

Nguyên nhân khó khăn thứ hai, đó là việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn để mô tả hoặc giải thích về những đề tài này còn xa lạ đối với đại đa số quần chúng. Nhất là khi phải chuyển dịch chúng sang ngôn ngữ Việt, vì hầu hết các tài liệu hiện nay đề cập đến vấn đề tế bào gốc, đều được viết bằng ngoại ngữ. Đây cũng là một công việc nhiều cam go và không mấy đơn giản. Tôi xin mạn phép được đơn cử một ví dụ để làm sáng tỏ vấn đề. Hiện nay, vấn đề "Human Cloning", mà tôi tạm gọi là “Nhân bản vô tính” đang được bàn thảo và tranh luận thật sôi nổi tại nhiều quốc gia trên thế giới, giữa các chuyên gia gồm đủ moị thành phần, đủ các khoangành, thuộc phạm vi xã hội cũng như tôn giáo.

Điều đáng chú ý nhất là cách đây khoảng 6 năm, một công ty tư nhân, gọi là “Advanced Cell Technology – Kỹ thuật tiên tiến về tế bào” (ACT), có trụ sở tại tiểu bang Massachusetts - Hoa Kỳ, ngày 25 tháng 11 năm 2001, đã tuyên bố trên màn ảnh truyền hình, là họ mới thực hiện thành công "Cloning" một phôi người đầu tiên (the first human embryo). Điều này đã gây chấn động trên thế giới, gồm cả đời lẫn đạo. Ngay lập tức, Tòa Thánh Vaticanô, và Đức cố Thánh Cha Gioan Phaolô II đã lên tiếng chỉ trích và cảnh báo việc làm thiếu tính cách đạo đức của công ty nói trên. Tất cả các văn bản và sứ điệp trên được ghi lại đầy đủ trong bản tin của Zenith News (phát hành hôm 26 tháng 11, 2001 - số ZE01112602 và ZE01112606).

Và cách đây khoảng 3 năm, vào ngày 12 tháng 2 năm 2004, chuyên gia nghiên cứu Woo Suk Hwang và các bạn đồng nghiệp, thuộc Đại học Quốc Gia Seoul tại Nam Triều Tiên đã tiêm chất liệu di truyền (genetic material) lấy từ các tế bào trưởng thành (của người) vào các noãn mà cấu tử di truyền cơ bản của nó đã được lấy ra khỏi. Như thế các phôi được tạo thành do kỹ thuật này đều có chung một cấu tử di truyền cơ bản giống y hệt như người đã hiến tặng tế bào, và như thế là họ thành công, nhân bản phôi vô tính. Sau đó các nhà nghiên cứu sẽ thu hoạch tế bào gốc từ các phôi này.

Thế nhưng cũng chính các chuyên gia nghiên cứu ấy lại lên tiếng kêu gọi cộng đồng thế giới nghiêm cấm việc nhân bản người bằng phương pháp tạo sinh vô tính (human cloning). Họ cho rằng kỹ thuật mà họ đã sử dụng để nhân bản phôi người vô tính, thì không bao giờ nên sử dụng để tạo ra các em bé. Hiện nay trên thế giới chưa có một chính phủ nào cho phép hoặc hợp pháp hóa việc nhân bản người vô tính (reproductive cloning), dù có một số quốc gia cho phép việc nhân bản phôi vô tính cho phương pháp trị liệu (therapeutic cloning) và để các chuyên gia có thể nghiên cứu thêm về các căn bệnh nan y. Điều này đã được một số Quốc Hội thông qua và đã trở thành luật, đồng ý cho các khoa học gia và các nhà nghiên cứu, có thể tạo nên các phôi bằng phương pháp tạo sinh vô tính, nhằm thu hoạch tế bào gốc cho việc trị liệu và cho các công trình nghiên cứu.

Điển hình là Anh Quốc và mới đây nhất là nước Úc, vào ngày 06 tháng 12 năm 2006, Quốc Hội Liên Bang Úc đã bỏ phiếu, với 82 phiếu thuận và 62 phiếu phản đối, cho phép phế bỏ luật cấm trước đây đối với các khoa học gia vào năm 2002 (xem Herald Sun, Thứ Năm, 07.12.2006, trang 2), là họ không được phép tạo nên các phôi bằng phương pháp tạo sinh vô tính sử dụng cho công việc nghiên cứu, nhưng chỉ được phép sử dụng các phôi thặng dư đã được tạo thành bởi phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fetilization - IVF). Điều này đã gây nên chia rẽ và bất đồng ngay cả trong giới lãnh đạo quốc gia dù cùng chung một đảng phái.

Riêng đối với Giáo Hội Công Giáo tại Úc thì đây được xem như là một sự thua thiệt giữa cán cân nguyên tắc luân lý và sự phát triển của y khoa. Dường như ngày nay người ta chỉ chú trọng đến các phát minh mới và sự phát triển nhảy vọt của khoa học, trong đó lãnh vực y khoa là điều đáng kể, đôi khi để đạt tới mục tiêu của họ, các khoa học gia đã xem nhẹ các chuẩn mực luân lý khách quan và sẵn sàng sử dụng các phương tiện bất chính để có thể đạt được kết quả như lòng họ mong muốn. Một ví dụ cụ thể là cách đây không lâu, Dr. Woo Suk Hwang, thuộc Đại học Quốc Gia Seoul tại Nam Triều đã tuyên bố với các phóng viên báo chí và đài truyền hình là ông ta đã thành công tạo được mười một phôi người. Điều này đã làm cho cả thế giới chấn động, thế là báo chí, nhất là các Tạp Chí Y Khoa không ngớt lời ca tụng Dr Woo Suk Hwang. Nhưng sau một thời gian điều tra thì người ta mới khám phá ra, đó chỉ là tin “thổi phồng – đồn nhảm” cố tình gây sự chú ý của thế giới.

Song song với những cuộc bàn luận sôi nổi đó đây, các hội nghị chuyên đề cũng đã được tổ chức và nhóm họp thường xuyên trong thời gian vừa qua, nhất là tại các quốc gia vùng Âu Châu, và các nước thuộc Bắc Mỹ.

Như đã được đề cập trong phần dẫn nhập, là hiện nay đang có những cuộc bàn thảo và tranh luận rất sôi nổi giữa các giới chuyên gia, đặc biệt là các khoa học gia nghành y-sinh học và các nhà luân lý sinh-học. Việc tổng thống Mỹ, George W. Bush bằng lòng thỏa thuận cho phép sử dụng ngân quỹ liên bang để tài trợ cho việc nghiên cứu khoảng 64 kiểu tế bào gốc khác nhau đã được thâu hoạch từ các phôi (embryos), do phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Mục đích nguyên thủy của các chuyên gia khi tạo nên các phôi này, là nhằm mục đích cấy cho các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc vô sinh muốn có con, nhưng vì con số phôi sản xuất quá nhiều nên đã trở thành thặng dư, và đã được đông lạnh trong một thời gian lâu dài, do đó, đã được các chuyên gia nơi phòng thí nghiệm quyết định sử dụng để lấy các tế bào gốc, thuộc nhiều loại khác nhau.

Việc làm của tổng thống Bush đã gây nên một sự bất bình trầm trọng giữa Giáo Hội Công Giáo (GHCG) Hoa Kỳ và vị nguyên thủ quốc gia, được các cử tri Công Giáo phần đông ủng hộ trước đi đắc cử. Đại diện cho GHCG Hoa Kỳ, Đức giám mục Joseph Fiorenza, thuộc tổng địa phận Galveston-Houston, cựu chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã phát biểu như sau:

"Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước Hoa Kỳ, chính phủ liên bang đồng ý ủng hộ việc nghiên cứu, mà hệ quả của nó là việc hủy diệt những con người vô phương kháng cự, nhằm mục đích đem lại lợi ích cho kẻ khác... Quyết định này cho phép các công ty, các dịch vụ nghiên cứu tư nhân tại quốc gia của chúng ta, gia tăng phát triển sự bất kính đối với sự sống con người. Cho nên, chúng tôi cầu nguyện và hy vọng rằng tổng thống Bush sẽ trở về lại với nguyên tắc chính trực, nhằm chống lại những cách thức hành-xử coi sự sống con người không hơn gì những vật thể, có thể được tận dụng cho các mục đích nghiên cứu và sau đó thì bị hủy diệt."

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Tổng Thống George Bush đã phủ quyết sự chấp thuận của Quốc Hội Mỹ cho phép các chuyên gia được quyền nới rộng việc nghiên cứu của họ bằng phương pháp sử dụng các tế bào gốc lấy từ phôi (embryonic stem cells). Việc làm này đã được hoan nghênh nhiệt liệt của nhóm phò sự sống và của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Ông Richard M. Doerfinger, đại diện cho giám đốc văn phòng bảo vệ sự sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã phát biểu tại tòa Bạch Ốc hôm thứ tư, ngày 19 tháng 07 năm 2006, như sau: “Chúng tôi tán thành việc Tổng Thống Bush đã phủ quyết pháp luật do Quốc Hội đã chấp thuận cho phép các khoa học gia dùng tế bào gốc lấy từ phôi để nghiên cứu. Điều này sẽ khuyến khích việc huỷ diệt thêm các phôi người để thu hoạch tế bào gốc.”

Thế nên, chúng ta cần phân biệt tỏ tường để tránh sự ngộ nhận là, hiện nay, khi nói đến về việc nghiên cứu về tế bào gốc, chúng ta cần am hiểu thấu đáo:

1) Tế bào gốc là gì?
2) Tế bào gốc lấy từ đâu ra?
3) Những lợi ích khả thể trong công trình nghiên cứu liên quan đến tế bào gốc.
4) Lập trường và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước sự việc nghiên cứu này.

Vì vậy trong bài viết này, tôi cố gắng làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên, nhằm giúp cho chúng ta hiểu biết một cách tường tận những vấn đề éo le và hóc búa, liên quan đến những gì mà hiện nay đang được bàn cãi, tranh luận cực kỳ sôi nổi, đặc biệt trong lĩnh vực luân lý. Ví dụ như có được phép, xét về mặt luân lý, sử dụng phôi để thu hoạch tế bào và làm chất liệu để nghiên cứu hay không? Vậy trước tiên, tôi xin phép được đề cập đến.

TẾ BÀO GỐC LÀ GÌ?

Tế bào gốc là tế bào có khả năng phân chia vô hạn định, và có khả năng sinh sản và tạo nên các tế bào khác có những chức năng chuyên biệt, một khi nó được cấy vào một môi trường thích hợp. Để cho chúng ta có một khái niệm cụ thể về các chức năng của tế bào gốc, điều tốt nhất là chúng ta thử khảo-sát chúng trong các tiến trình phát triển nơi con người được bắt đầu khi tinh trùng làm cho trứng (noãn) thụ tinh, và sau đó tạo nên một tế bào duy nhất, gọi là hợp-tử, tế bào này có khả năng tự tại phát triển thành một cơ thể (organism). Vì thế, trứng thụ tinh (hợp-tử) còn được coi như là tế bào toàn-năng. Sau khi trứng đã được thụ tinh, chỉ vài tiếng đồng hồ sau (khoảng 4-6 tiếng), hợp tử sẽ tự động phân chia thành nhiều tế bào toàn- năng (totipotent cells), đồng chất thể về mặt di truyền.

Sự biến hóa của Tế Bào Gốc

Vì lý do đó, mà giả sử ta lấy một tế bào toàn-năng (đã được phân chia sau khi trứng đã thụ tinh khoảng 3 ngày) đem cấy vào vách tử cung của người phụ nữ (nếu thành công) thì tế bào này có khả năng phát triển thành bào thai. Từ đó, ta có thể giải thích hiện tượng sinh đôi, là một trứng sau khi đã thụ tinh, tự phân chia làm 2 tế bào toàn-năng riêng biệt và rồi sau đó sẽ tự phát triển thành 2 cá thể riêng rẽ (trong thời hạn 14 ngày, kể từ khi thụ tinh). Do đó, xét về mặt di truyền thì trẻ em sinh đôi (cùng một trứng) có cùng chung một gien y hệt như nhau.

Khoảng 4 ngày, sau khi trứng đã thụ tinh, hợp-tử sẽ trải qua nhiều chu kỳ phân chia tế bào, gọi là hiện tượng nhân đôi: từ 1 tế bào duy nhất thành 2, điều này diễn ra khoảng 30 tiếng đồng hồ sau khi trứng đã thụ tinh. Sau 40-50 giờ, chúng sẽ tự phân chia thành 4 tế bào, và sau 60 tiếng đồng hồ thành 8 tế bào. Khi trứng đã thụ tinh tiến gần đến lối dẫn vào tử cung, nó phát triển thành 16 tế bào, và người ta gọi nó là phôi dâu (Morula). Sự kiện này diễn ra vào ngày thứ 4 kể từ khi trứng đã thụ tinh. Trong giai đoạn này, chưa có sự tiền định của bất cứ một tế bào nào sẽ trở thành một thực thể (entity) riêng biệt hay là bộ phận của thực thể. Khoảng chừng ngày thứ 6 hoặc ngày thứ 7, hợp tử (tên gọi của trứng sau khi đã thụ tinh) sẽ trở thành phôi bào (Blastocyst) và nó di chuyển đến vách tử cung để bắt đầu tiến trình làm tổ, nếu thành công, việc thụ thai sẽ diễn ra và phôi bào sẽ tiếp tục phát triển. Ở vào thời điểm này, ta có thể phân biệt là phôi bào gồm có hai loại tế bào:

- Loại tế bào thứ nhất trở thành màng bao bọc phôi bào (tiếng Anh gọi là Trophectodern); 
- Loại thứ hai là các tế bào nội tại (Inner Cell Mass = ICM)

Các tế bào nội tại này sẽ thiết lập hầu hết các mô (tissues) của thân thể. Mặc dù các tế bào nội tại có thể tạo thành, dường như, tất cả các loại tế bào nơi thân thể con người, nhưng chúng lại không có khả năng để tạo thành một cơ thể (organism). Các tế bào nội tại được coi như là các tế bào đa-năng, vì chúng có khả năng trợ giúp nhiều loại tế bào khác nhau. Các tế bào nội tại có tính đa-năng, tuy nhiên, chúng không phải là các tế bào toàn-năng, vì lý do đó chúng không thể tạo nên một cơ thể, như các tế bào toàn-năng, ví dụ như tế bào hợp-tử.

Những tế bào gốc đa-năng (Pluripotent stem cells) tiếp tục trải qua nhiều sự phân- hóa để trở thành những tế bào gốc với chiều hướng nhằm yểm trợ các tế bào mà chúng có những chức-năng hoặc phận-vụ chuyên-biệt. Ví dụ như tế bào gốc của máu (Blood stem cells), thì trợ giúp các hồng huyết cầu và bạch huyết cầu. Các tế bào gốc của máu hiện diện trong tủy (của xương - bone marrow) của trẻ em cũng như người lớn, thực vậy, chúng có thể tìm thấy trong máu hiện đang lưu thông nơi các huyết quản. Tế bào gốc của máu nắm giữ một vai trò rất quan trọng, trong công việc cung cấp cho đủ số tế bào máu trong thân thể con người, suốt cả cuộc đời. Các tế bào máu gồm có: hồng huyết cầu và bạch huyết cầu. Chúng ta không thể sống sót nếu không có các tế bào gốc của máu.

TẾ BÀO GỐC LẤY TỪ ĐÂU RA?

Hiện nay ít nhất có 2 phương pháp để có thể lấy được các tế bào gốc đa-năng.

• Cách thứ nhất được thực hiện do Dr. James Thomson, thuộc đại học Wisconsin – Hoa Kỳ.

Các tế bào gốc đa năng được tách rời trực tiếp từ các tế bào nội tại của phôi trong giai đoạn phôi bào (blastocyst). Sau đó đem cấy chúng vào một môi trường thích hợp, với những điều kiện thiết yếu cho việc phát triển, dần dần chúng sẽ sản xuất một loại tế bào gốc đa-năng.

• Cách thứ hai được thực hiện do Dr. Gearhart, thuộc Đại họ Y Khoa – Harvard, Mỹ. Ông tách biệt các tế bào gốc đa-năng từ các mô của bào thai đã được hủy, vì không muốn tiếp tục cưu mang hoặc vì những lý do khác. Điều này được thực hiện với sự đồng ý của chủ nhân bào thai và vị bác sĩ có trách nhiệm. Ông chọn những tế bào thuộc các vùng của bào thai mà biết chắc chắn rằng sau này, chúng sẽ phát triển thành tinh hoàn hoặc buồng trứng.


Sự biệt hóa của tế bào gốc tủy xương

Mặc dù có sự khác biệt về hai nguồn cung cấp chất liệu để tạo nên các tế bào gốc đa-năng. Tuy nhiên, kết quả của việc hình thành các tế bào gốc này rất giống nhau.

Một loại tế bào gốc nữa, có tên là "Multipotent Stem Cells", có thể tìm thấy ở một vài loại mô trưởng thành. Tuy nhiên gần đây, có nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy, các chuyên gia nghiên cứu có thể tìm thấy thêm nhiều loại tế bào gốc hiện diện trong các mô trưởng thành. Ví dụ trước đây, các chuyên gia nghiên cứu nghĩ rằng: các tế bào gốc dường như không có ở trong hệ thống thần kinh não. Nhưng những năm gần đây, họ đã khám phá ra và họ đã làm các cuộc thí nghiệm và cho thấy là họ có thể tách rời các tế bào gốc thuộc thần kinh (Neuronal Stem Cells) ra khỏi hệ thống thần kinh não của các chú chuột. Điều này đã được thực hiện do các khoa học gia thuộc viện Nghiên Cứu Y Học "The Walter and Eliza Hall" ở vùng Parkville, thuộc tiểu bang Victoria, thành phố Melbourne, Úc Đại Lợi. Họ đã tách biệt được tế bào gốc từ một khu vực của óc gọi là khu vực "Periventricular". Từ các tế bào gốc này, không những có thể tạo thành tế bào thần kinh, mà còn cả tế bào mô và cơ mới. Cho nên, với những thành công như vậy sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu về tế bào gốc đi xa thêm một bước nữa, và hy vọng nó sẽ góp phần sáng chế ra những thứ thuốc giúp cho những người bị chấn thương não sẽ tự phục hồi.

Ngược lại, nơi con người, các tế bào gốc loại này, nếu muốn thu hoạch, thì chỉ có thể lấy từ các mô của bào thai (fetal tissues). Hẳn nhiên, việc thử nghiệm này đối với con người thì còn rất ư là hạn chế. Tuy nhiên, điều ấy cho thấy là có những dấu hiệu khả thi rằng: không bao lâu nữa thì việc này có thể được áp dụng đối với con người.

Ngoài ra, tế bào gốc còn có thể tìm thấy nơi một số các mô trong cơ thể của em bé cũng như người lớn. Ví dụ như tế bào gốc tủy xương, tìm thấy được trong các tủy của xương. Tế bào gốc tủy xương có nhiệm vụ sinh sản các loại tế bào: hồng huyết cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Các khoa học gia cũng đã tìm thấy tế bào gốc từ cuống rốn (umbilical cord) hoặc từ nhau thai (placenta) của các trẻ em sơ sinh. Gần đây nhất, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra, là tế bào gốc hiện hữu ngay cả trong các răng sữa (răng mới mọc) của trẻ em, cũng như ở trong nước màng ối (amniotic fluid).

Tất cả các tế bào gốc này đều có tiềm năng để biến hóa và trở thành các loại tế bào khác nhau với các chức năng khác biệt. Đây cũng chính là điều nổi bật trong công trình nghiên cứu tế bào gốc trong những năm gần đây, cho thấy có sự phát triển vượt bực trong công nghệ y khoa. Các tế bào gốc thuộc loại này (Adult stem cells) cho thấy nó có bản chất và chức năng tương tự như là tế bào gốc phôi (Embryonic stem cells). Điều này mang lại cho chúng ta rất nhiều hứa hẹn và đầy triển vọng, trong công việc cấy ghép tế bào gốc, nhằm chữa trị những căn bệnh nan y và vô phương cứu chữa từ xưa đến nay.


Tế bào gốc có thể thu lượm từ cuống rốn hoặc từ nhau thai

NHỮNG LỢI ÍCH KHẢ THI TRONG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN TẾ BÀO GỐC.

Qua các kết quả của các công trình nghiên cứu về việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành nơi con người cho thấy rằng các "Multipotent Stem Cells" (tên của một loại tế bào gốc đa-năng), có tiềm năng rất lớn trong công việc nghiên cứu lẫn việc phát triển phương pháp trị-liệu tế bào (cell therapies). Một bằng chứng cụ thể, là ta có thể dùng các tế bào gốc trưởng thành trong việc cấy, ghép. Nếu chúng ta có thể tách biệt những tế bào gốc từ bệnh nhân, rồi tạo điều kiện thuận tiện để chúng từ từ phân chia và sinh sản ra các tế bào có những chức năng chuyên-biệt. Sau đó, chúng ta đem cấy chúng trở lại cho bệnh nhân. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng các tế bào này bị từ chối hay bị phản kháng bởi cơ thể của bệnh nhân.

Cách thức sử dụng các tế bào gốc trưởng thành cho các phương pháp trị-liệu, nhằm thay thế các tế bào đã bị thoái hóa hay không còn khả năng thực hiện các chức năng riêng biệt của chúng nữa, sẽ giảm thiểu hoặc tránh né được, ngay cả việc sử dụng đến các tế bào gốc lấy được từ các phôi hoặc các mô từ bào thai người. Điều này đã và đang gây nhiều sự phản đối, vì những yếu tố về mặt luân lý.

1. Những lợi ích khả thi

Những lợi ích khả thi mà các chuyên gia nghiên cứu hiện nay đưa ra có lẽ nhiều vô số kể. Trong bài viết về "The Benefits of Human Cloning." (http://www.humancloning.org/benefits.htm), tác giả đưa ra một số danh sách các lợi ích thực tiễn về nhân bản vô tính (Human Cloning). Nói chung hầu như là bách bệnh đều có thể trị được, nếu bằng lòng áp dụng và cho phép phương pháp tạo sinh vô tính. Vì khuôn khổ của bài viết, nên tôi mạn phép chỉ đề cập đến những gì có tính cách hiện-thực mà cộng-đồng thế giới đang mong mỏi nơi các chuyên gia nghiên cứu, dựa trên những khám phá gần đây nhất.

2. Việc sử dụng các tế bào gốc cho phương pháp trị-liệu.

Phần đông các bệnh tật nơi con người là kết quả, do việc các tế bào trong con người của chúng ta ngưng hoạt động hay không làm việc theo đúng như chức năng của chúng, hoặc do bởi các mô của thân thể bị hủy hoại. Hiện nay, để thay thế cho các cơ phận hoặc ghép các bộ phận, cũng như mô không còn hoạt động bình thường, các chuyên viên y khoa đã phải sử dụng đến các bộ phận, ví dụ như tim, thận, tủy, mắt..v.v.., được hiến tặng. Tuy nhiên, không may cho chúng ta là số bệnh nhân càng ngày càng gia tăng và vượt hẳn con số về các bộ phận mà chúng ta có được (do sự hiến tặng của các ân nhân) để thay thế hay cấy, ghép. Tế bào gốc có thể cung ứng cho ta một nguồn nguyên liệu mới phong phú, có thể thay thế các tế bào và mô đã bị hỏng, nhằm chữa trị các chứng bệnh nan y, như: bệnh tim, bệnh ung thư, bệnh Parkinson, bệnh tiểu đường, bệnh mất trí nhớ, bệnh chấn thương cột sống, cơn đột trụy (stroke), bệnh đau nhức thấp khớp kinh niên, bị phỏng nặng..v.v.. Có thể nói hầu như các căn bệnh thông thường hiện nay đều có nhiều cơ may điều trị bởi việc sử dụng các tế bào gốc mà gần đây các chuyên gia nghiên cứu mới khám phá ra.

Tuy nhiên, trước những dấu hiệu khả quan và những thành công rực rỡ đã và đang gặt hái được nhiều thành quả vượt bực, đáng kể trong công việc điều trị các căn bệnh đương thời. Y học ngay nay vẫn còn gặp phải một số vấn đề khó khăn trong công việc áp dụng và đưa các khám phá mới mẻ ấy vào trong công việc thực hành cụ thể nơi các sở y tế. Những khó khăn này tuy đáng kể, nhưng không phải là chúng ta không có khả năng vượt qua.

Tóm lại, chúng ta cần chờ đợi với thời gian để xem các phát minh mới ấy sẽ mang lại những lợi ích cụ thể gì cho nhân loại.

QUAN ĐIỂM VÀ LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.

Đứng trước các phát minh mới mẻ trong ngành y-sinh học, được thực hiện đầu thế kỷ thứ 21 này, cụ thể là việc sử dụng các tế bào gốc trong các phương pháp trị liệu. Giáo Hội Công Giáo luôn luôn tán thưởng và khuyến khích các nỗ lực và sự thiện chí của các chuyên gia nghiên cứu.

Cách đây vài năm tại Rôma, Thánh đô của Giáo Hội đã tổ chức một Hội nghị chuyên đề, vào ngày 13-14, tháng 11, 2001 tại Đại học giáo hoàng Ateneo Pontificio Regina Apostolorum - Rôma. Hội nghị này đã được bảo trợ của 2 Đại học và 1 Học viện danh tiếng trên thế giới: Đại học Francisco de Vitoria (Madrid - Tây Ban Nha), Pontifical Athenaeum Regina Apostolorum (Rôma) và Guilé Foundation (European Institute for Social Studies - Thụy Sĩ), nhằm thảo luận về những vấn đề nan giải và những tiện ích cho con người trong công trình nghiên cứu tế bào gốc.

Tiến sĩ Esmail D. Zanjani, một trong những chuyên gia đang dẫn đầu về việc nghiên cứu tế bào gốc, hiện là giảng sư tại Đại học Nevada, Hoa Kỳ, đã đưa ra những nhận định phù hợp với quan điểm và chiều hướng lập luận hiện thời của Giáo hội Công Giáo. Ông ta phát biểu rằng: "Hiện nay, có rất nhiều dữ kiện cho thấy, chúng ta có thể thành công trong viêc sử dụng các tế bào gốc trưởng thành để điều trị các chứng bệnh về tim, và các mô bị hư hại. Sau nhiều lần thử-nghiệm thì kết quả cho thấy công việc này đã rất có hiệu nghiệm." (Phỏng theo bài thuyết trình của Dr. Zanjani tại hội nghị - Thứ tư 14 tháng 11, 2001).

Tiến sĩ Zanjani còn cho biết thêm, theo như kết quả của những cuộc thử nghiệm vừa qua, thì nó chứng minh cho ta thấy, việc dùng các tế bào gốc trưởng thành, đạt được những kết quả khả quan như đã tiên đoán. Cho nên, "Tôi (Dr. Zanjani) thiết nghĩ chúng ta không nhất thiết phải sử dụng đến các tế bào gốc phôi (Embryonic Stem Cells), vì điều đó gặp phải nhiều sự chống đối xét về mặt luân lý, mà đồng thời kết quả thì cũng chưa chắc gì đã trỗi vượt hơn việc dùng các tế bào gốc trưởng thành trong các phương pháp trị liệu."

Với một lối suy tư tương tự như thế, bà Monica Lopez Barahona, giảng sư tại Đại học Francisco de Victoria (Tây Ban Nha), khi được phóng viên nhà báo phỏng vấn tại Hội nghị đã phát biểu như sau: "Không thể chấp nhận được sự việc tạo một phôi người, rồi sau đó chỉ lấy các tế bào gốc rồi thì hủy bỏ nó đi." Bà nhấn mạnh, theo quan điểm của các khoa học gia, thì hiển nhiên đã có sự hiện diện của một “con người” ngay từ lúc khi trứng được thụ tinh. Vì lý do đó, không thể chấp nhận được xét về mặt đạo đức, khi sử dụng sự sống con người này (tức là các phôi bị sử dụng để lấy tế bào gốc) để cứu một người khác (để cấy ghép hoặc thay thế các bộ phận bị hư hỏng). Quan điểm này, chúng ta có thể tìm thấy trong giáo huấn của Giáo Hội: "Con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi thụ tinh, và vì vậy cũng từ lúc đó nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội."

KẾT LUẬN:

Tóm lại, chủ trương và lập trường của GHCG hiện nay là không cho phép việc sử dụng các phôi người như thể là một vật-liệu để nghiên cứu, điển hình là việc tạo các phôi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, tách các tế bào gốc ra từ các phôi này rồi hủy chúng đi, làm như vậy theo quan điểm của Giáo Hội là không thể chấp nhận được, xét về mặt luân lý. Vì Giáo hội xác tín rằng: ngay từ giây phút thụ tinh, thì đã có xuất hiện sự sống con người (xem Huấn Thị Donum vitae và Thông điệp Evangelicum vitae). Điều này không ngừng được ĐTC Gioan Phaolô II lập đi lập lại, trích từ Huấn thị “Quà Tặng Sự Sống - Donum vitae” và “Tuyên Ngôn về Việc Chủ Ý Phá Thai - Declaration on Procured Abortion”:

"Ngay từ khi trứng được thụ tinh, một sự sống mới được bắt đầu, mà sự sống ấy không phải là của cha cũng chẳng phải của mẹ, nhưng đúng hơn đó là sự sống của một con người mới và nó có thể tự mình phát triển." Lẽ đó, ĐTC kêu gọi, các cộng đồng và hiệp hội các khoa học gia trên thế giới "hãy tôn trọng tuyệt đối sự sống con người từ giây phút mới bắt đầu cho đến hơi thở cuối cùng."


Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng
L.J. Goody Bioethics Centre in WA
Email: phtran-ljgbc@iinet.net.au  

Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video