Người bệnh nhân thường xuất hiện dấu hiệu tê các đầu ngón tay, cảm giác tê rần, kiến bò lúc làm việc, ban đêm hoặc lúc ngủ dậy. Thực ra, các dấu hiệu trên chính là hội chứng ống cổ tay là tình trạng chèn ép thần kinh giữa do sự gia tăng áp lực trong ống cổ tay.
Với các biểu hiện trên, người bệnh cho là tê thấp nên thường đi châm cứu hoặc uống thuốc nam, tình trạng bệnh có thể kéo dài hàng tháng đến cả năm. Việc khám và không chẩn đoán ra căn bệnh thường đưa đến biến chứng teo cơ mô cái và giảm chức năng của bàn tay.
Nguyên nhân thường do gãy đầu dưới xương quay, sự dầy lên của dây chằng ngang cổ tay, viêm dính bao gân gập, tụ máu chấn thương, sẹo dính mô mềm, u nang hoạt mạc, chồi xương, can lệch… Cơ địa thường gặp ở người làm việc gắng sức, tiền mãn kinh, rối loạn dinh dưỡng, thai kỳ v.v…
Triệu chứng lâm sàng : đa số ở phụ nữ ( 60 – 65 %) , độ tuổi 40 – 65 tuổi, thường xuất hiện ở tay thuận trước, tê rần, kiến bò ở các đầu ngón tay. Nhạy cảm với lạnh, thường tê rần về đêm và đơ cứng lúc ngủ dậy. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến biến chứng teo hẹp thần kinh giữa và teo cơ mô cái bàn tay.
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh này với thấp khớp, chấn thương, tiểu đường…
Dự phòng là không nên làm việc gắng sức, công việc liên quan lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi bị gãy xương, thấp khớp,... cần điều trị đúng phương pháp.
Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng viêm, tiêm corticoid chỉ có tác dụng tạm thời.
Điều trị phẫu thuật : giải áp thần kinh giữa và cắt dây chằng vòng cổ tay thường mang lại kết quả cao. Phương pháp mổ đơn giản, nhẹ nhàng, chỉ cần gây tê tại chỗ, đường mổ nhỏ và không để di chứng gì. Dấu hiệu tê và cảm giác kiến bò sẽ biến mất trong một thời gian ngắn. Sau mổ cần tập vật lý trị liệu để giúp phục hồi chức năng vùng cổ tay.
Nếu có các triệu chứng trên bạn nên đến khám ở chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, không nên châm cứu và uống thuốc nam làm kéo dài thời gian và biến chứng của bệnh.
Thạc sĩ – bác sĩ NGUYỄN ĐÌNH PHÚ